VN-Index giảm sâu nhất kể từ cuối tháng 6
Tính theo số tuyệt đối, VN-Index chứng kiến phiên mất điểm nhiều nhất kể từ 20/6 (giảm 36,9 điểm). Kết thúc phiên giao dịch 7/9, VN-Index giảm 34,23 điểm (-2,68%) xuống 1.243,17 điểm. Toàn sàn có 71 mã tăng, 423 mã giảm và 41 mã đứng giá. HNX-Index giảm 9,22 điểm (-3,14%) xuống 284,05 điểm. Toàn sàn có 41 mã tăng, 171 mã giảm và 32 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 1,26 điểm (-1,37%) xuống 90,38 điểm.
Tổng giá trị khớp lệnh đạt 22.000 tỷ đồng, tăng 46% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh sàn HoSE tăng 43,5% lên mức 18.827 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng 440 tỷ đồng ở sàn HoSE.
Diễn biến giao dịch khối ngoại sàn HoSE. Nguồn: FireAnt.
Gần như toàn thị trường đồng loạt suy yếu chứ không tập trung vào riêng nhóm ngành nào. Với sức ảnh hưởng của mình, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng được chú ý hơn cả. Các cổ phiếu nổi bật có thể kể đến như VCB (-3,26%), BID (-5,62%), VPB (-3,5%), TCB (-2,85%).
Thị trường bi quan sau thông tin từ Ngân hàng Nhà nước
Lý giải nguyên nhân thị trường sập, ông Trần Trương Mạnh Hiếu - Trưởng phòng chiến lược Chứng khoán KIS Việt Nam cho hay nguyên nhân chủ yếu là do tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khi Ngân hàng Nhà nước (SBV) nâng tỷ giá bán USD lên 23.700 VND/USD từ mức 23.400 VND/USD.
Ông Trần Trương Mạnh Hiếu
Trong thời gian qua, áp lực lên tỷ giá là khá lớn khi đồng USD tăng giá so với các đồng tiền chủ chốt như Euro, Yên... Bằng nhiền phương pháp SBV đã giữ cho tỷ giá không tăng quá nhiều (khoảng 2%) trước áp lực này, trong khi tỷ giá các nước lại tăng mạnh trên 6% thậm chí là trên 10%. Tuy nhiên, ở thời điểm này áp lực đã rất lớn và buộc SBV phải có những biện pháp khác để giảm áp lực. Và nâng tỷ giá là một biện pháp hợp lý ở hiện tại.
Tăng tỷ giá sẽ làm cho bức tranh vĩ mô có phần tiêu cực, và đây là nguyên nhân chính khiến tâm lý thị trường trở nên bi quan và điều chỉnh sâu trong ngày 7/9.
Tận dụng nhịp điều chỉnh để tích lũy cổ phiếu cơ bản
Theo ông Hiếu nhận định, với phiên điều chỉnh 7/9 chỉ số VN-Index đã xuất hiện 1 phiên breakdown với khối lượng lớn. Đây là tín hiệu khá xấu về mặt kỹ thuật do đó, với những nhà đầu tư ngắn hạn và lướt sóng thì nên giảm tỷ trọng về mức an toàn và chờ đợi thị trường ổn định trở lại trước khi mở những vị thế mới.
Vùng hỗ trợ mạnh của VN-Index trong nhắn hạn là 1.200 điểm, cũng là hỗ trợ tâm lý quan trọng của thị trường. Trong khi đó vùng 1.250 điểm là kháng cự quan trọng, nếu phiên 8/9 chỉ số đóng cửa trên được ngưỡng này thì có thể xu hướng sẽ không quá xấu.
Ông Hiếu khuyến nghị nhà đầu tư dài hạn có thể tận dụng sự điều chỉnh này để tích lũy nhóm cổ phiếu có cơ bản tốt do thị trường chứng khoán vẫn đang trong một xu hướng tăng dài hạn nhờ các yếu tố vĩ mô hỗ trợ.
Nhà đầu tư có thể quan tâm đến nhóm ngành ngân hàng với dự báo lợi nhuận tăng tốt trong 2022, nhóm bất động sản khu công nghiệp với sự chuyển dịch của các doanh nghiệp FDI từ Trung Quốc hay một số doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng với câu chuyện đầu tư công.