Sau 12 số đồng hành, trò chuyện cùng lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp tại talkshow The Next Power, ông Lê Trí Thông – CEO của PNJ cho biết nếu có thể khai thác thêm góc nhìn từ những người nhân viên đang trực tiếp tham gia vào hoạt động đổi mới sáng tạo, chương trình sẽ có góc nhìn đa chiều và tiếp cận với người xem gần gũi hơn.
- Nếu được ví The Next Power như một loại đá quý, theo ông đó sẽ là loại đá nào?
- Tôi nghĩ The Next Power giống như một món trang sức kim cương. Dưới một góc nhìn khác nhau, kim cương có thể tỏa ra sự lấp lánh khác nhau. The Next Power cũng vậy, thông qua chương trình, chúng ta thấy được vẻ đẹp đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp dưới nhiều chiều tiếp cận.
Giống như kim cương luôn mang vẻ đẹp trong suốt, với The Next Power chúng ta cũng phải nhìn xuyên suốt giữa các nhân vật, các số với những chủ đề, lĩnh vực khác nhau. Khi xem số trước, chúng ta liên tưởng qua số sau rồi xem số sau lại lật ngược về những tập trước. Từ đó, ta có thể tìm được sự kết nối giữa từng câu chuyện, từng quan điểm. Ví dụ, trong đổi mới sản phẩm, chúng ta có thể liên kết đến câu chuyện trong đổi mới cách quản lý hay khai phóng tư duy sáng tạo trong doanh nghiệp.
- Trong quá trình đồng hành cùng The Next Power, nói chuyện với nhiều khách mời là lãnh đạo doanh nghiệp, ông ấn tượng với từ khóa nào nhất?
- Các nhân vật đã mang tới cho chúng ta rất nhiều từ khóa. Rất khó để chọn ra chỉ một quan điểm ấn tượng, như tôi đã nói ở trên, chương trình mang đến cái nhìn đa chiều, vì vậy, ở mỗi góc nhìn khác nhau, lại có một quan điển, từ khóa ấn tượng riêng.
Tôi đặc biệt chú ý đến phần chia sẻ về sự độc tài sẽ kìm hãm sáng tạo trong doanh nghiệp, hoặc quan điểm cho rằng khởi nguồn của đổi mới đến từ yếu tố con người. Câu chuyện của ông Lý Ngọc Minh, đại diện Gốm sứ Minh Long khiến tôi ấn tượng về cái nhìn cho rằng muốn sáng tạo cần phải có nền tảng kiến thức, có thể học tắt để đón đầu cái mới. Hoặc buổi trò chuyện với lãnh đạo ELSA – Văn Đinh Hồng Vũ lại khơi mở ra câu chuyện cần phải dám nhìn thẳng và dám trung thực với chính mình để tạo nên sức mạnh cho môi trường sáng tạo.
- Đứng trên góc nhìn của một lãnh đạo doanh nghiệp, một khán giả, anh mong muốn The Next Power sẽ có thêm những chân dung khách mời nào, hoặc khai thác thêm chủ đề gì?
- Tôi đã đồng hành cùng The Next Power được một nửa chặng đường, trò chuyện và lắng nghe nhiều câu chuyện từ những người lãnh đạo doanh nghiệp đang thực hiện quá trình sáng tạo đổi mới. Tuy vậy, tôi muốn có thêm góc nhìn từ những người là thành viên của quá trình đó, ví dụ như nhân viên, quản lý. Họ là những người đang tận tay thực hiện quá trình đổi mới của doanh nghiệp.
Tôi nghĩ chương trình có thể xây dựng các hoạt động trực tiếp, nơi nhân viên của công ty này đến chia sẻ, trò chuyện về quá trình đổi mới sáng tạo với nhân viên công ty khác. Lúc này, các diễn giả lùi lại phía sau và theo dõi câu chuyện với vai trò là một khán giả, một người có thể đưa ra những gợi mở, đánh giá về các trăn trở, vướng mắc, thành công của chính các bạn đó. Nếu như thực hiện được điều này, chúng ta có thể có thêm nhiều góc nhìn mới và đến gần hơn với khán giả.
Ngoài ra, tôi hy vọng The Next Power có thể lật lại những góc nhìn sáng tạo trong sự liên kết giữa doanh nghiệp với trường, viện nghiên cứu. Chúng ta có thể chia sẻ, nhìn nhận về sự đối thoại giữa doanh nghiệp với các accelerator (nhà ươm mầm doanh nghiệp), đối tác công nghệ từ đó có thêm được những góc nhìn khác chứ không chỉ xoay quanh quan điểm của người đứng đầu, đưa ra chiến lược tổng quát.
- Theo ông, tiền tố nào là quan trọng nhất để thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo tại Việt Nam?
- Tôi nghĩ đó là thế hệ trẻ. Chúng ta đang có những bạn trẻ sở hữu nền tảng khoa học tốt hơn so với thế hệ đi trước. 20 năm trước, chúng tôi cũng là những sinh viên hàng đầu, nhưng ngày hôm nay, khi nói chuyện với các bạn trẻ, dù chỉ mới là sinh viên năm hai, năm ba, nhưng quan điểm và tính hệ thống của họ còn tốt hơn chúng tôi ở thời điểm tốt nghiệp, bắt đầu học thạc sĩ. Tôi rất mừng cho một thế hệ trẻ Việt Nam.
Ngoài ra, người trẻ Việt Nam ngày nay cũng có quan điểm thoáng hơn, không có công thức, không đưa mình vào những đúng sai, trắng đen như là chúng tôi của thế hệ trước. Các bạn có những hoài nghi, đặt ra những câu hỏi: Những công thức này có đúng hay không? Cách làm này có đúng hay không? Và các bạn nhìn nó một cách bao quát hơn. Tầm nhìn của các bạn không chỉ gói gọn trong một thị trường, trong khuôn khổ một đất nước mà các bạn nhìn về góc nhìn toàn cầu từ rất sớm. Những yếu tố đó làm cho tôi thấy được sự sẵn sàng cho quá trình sáng tạo ở một vị thế tốt hơn rất nhiều so với thế hệ của tôi trước đây. Chúng ta có thể kỳ vọng những công nghệ mới "made by Vietnamese" sẽ xuất hiện và những công nghệ đó có thể tạo ra đổi mới sáng tạo mang tính đột phá.
- Vậy theo ông, làm sao để kết nối được những ưu điểm trong giữa các thế hệ phục vụ cho quá trình đổi mới sáng tạo?
- Khi nói về sự kết nối thì chúng ta hãy nhìn nó trong sự tiến hóa. 50 năm trước, kết nối có nghĩa là có cái điện thoại cố định đặt trên bàn và chúng ta ngồi xoay số. 20 năm trước, chúng ta có điện thoại có thể mang đi vòng vòng trong nhà, nhưng vẫn phải có sợi dây để kết nối. Sau đó, chúng ta lại kết nối qua điện thoại di động, chúng ta có thể mang điện thoại và kết nối với mọi người khác. Ngày hôm nay, chúng ta có những thiết bị kết nối nằm ngay trên cổ tay với chiếc đồng hồ thông minh.
Tương tự như vậy, câu chuyện kết nối giữa các thế hệ cũng không hoàn toàn tĩnh tại, mà có rất nhiều cách. Các bạn đang xem chương trình The Next Power cũng là một cách kết nối với những doanh nhân, doanh nghiệp ở các thế hệ khác nhau. Các bạn đến dự các sự kiện, trao đổi, cũng là một cách kết nối. Các bạn tham gia vào các nhóm trên Facebook, các nhóm sáng tạo và đôi khi chỉ gặp nhau hoàn toàn trên không gian ảo, thậm chí chưa bao giờ nhìn mặt nhau, vẫn làm việc với nhau để tạo ra được những sản phẩm mới, công nghệ mới. Đó là câu chuyện của một cách kết nối mới. Chính vì vậy, tôi khá lạc quan trong câu chuyện hình thành nên những kết nối mà từ trước tới giờ chưa từng có.