Công nghệ

"Kỳ lân" blockchain Sky Mavis sa thải 21% nhân sự

Trong thông báo ngày 23/11, Nguyễn Thành Trung, nhà đồng sáng lập Sky Mavis, cho biết để tập trung tốt hơn vào các sản phẩm chính, công ty "cần có sự linh hoạt cần thiết" cũng như thay đổi các ưu tiên.

"Quyết định này không liên quan đến ngân sách hoặc tình hình tài chính của công ty. Đây là động thái chiến lược cho phép tập trung rõ ràng hơn và định vị Sky Mavis để tăng trưởng năm 2025 và sau đó", Trung viết.

Sky Mavis không nói rõ bộ phận nào sẽ được tinh giản hay quá trình thực hiện ra sao, nhưng khẳng định nhân viên sẽ nhận được gói trợ cấp nghỉ việc cũng như hỗ trợ tìm việc mới.

Theo chia sẻ năm 2023, công ty có khoảng 250 nhân viên trên toàn cầu, trong đó văn phòng tại Việt Nam là 200 người. Nhiều nhân sự từ nước ngoài cũng đang làm việc cho Sky Mavis tại văn phòng TP HCM.

Logo Sky Mavis trong video giới thiệu văn phòng công ty ở TP HCM. Ảnh chụp màn hình

Logo Sky Mavis trong video giới thiệu văn phòng công ty ở TP HCM. Ảnh chụp màn hình

Nói về lý do thay đổi, nhà sáng lập Nguyễn Thành Trung đánh giá các chính sách thân thiện với tiền điện tử gần đây được dự đoán sẽ tạo làn sóng đổi mới cùng với các dự án Web3, có thể tạo ra sự thay đổi lớn tương tự năm 2018, khi công ty ra mắt game Axie Infinity. Từ đó, công ty quyết định tập trung vào các mục tiêu về Ronin Wallet, Mavis Marketplace, mở rộng blockchain Ronin để thu hút thêm các nhà phát triển cũng như phát hành thêm trò chơi Web3.

Quyết định của Sky Mavis được công bố trong bối cảnh thị trường tiền số đang khởi sắc trở lại và Bitcoin tiến sát mốc 100.000 USD. Sau thông báo trên, tiền số Ron của blockchain Ronin tăng 15%, đưa vốn hóa thị trường lên hơn 600 triệu USD, trong khi đồng AXS gắn với game Axie Infinity tăng hơn 20% vốn hóa đạt 1,24 tỷ USD trong ngày 24/11. Trước đó, Sky Mavis cũng là một trong số ít startup có nhà sáng lập người Việt được định giá trên 1 tỷ USD, còn được gọi là "kỳ lân".

Sky Mavis được lập ra bởi Nguyễn Thành Trung, Tú Đoàn, Việt Anh cùng hai thành viên nước ngoài Aleksander Larsen, Jeffrey Zirlin vào năm 2018. Công ty nổi tiếng với game Axie Infinity, tiên phong cho trào lưu play-to-earn (chơi để kiếm tiền) và từng gây sốt trong giai đoạn đại dịch khi giúp nhiều người có thể có thu nhập từ game. Để vận hành trò chơi, họ cũng xây dựng một blockchain là Ronin.

Tuy nhiên, sau khi cơn sốt play-to-earn xuất hiện nhiều vấn đề, kết hợp việc cầu nối Ronin bị hacker tấn công lấy đi lượng tiền số trị giá 600 triệu USD năm 2022, công ty này đã tiến hành nhiều thay đổi, trong đó có việc cung cấp phiên bản chơi miễn phí của Axie Infinity, cũng như đưa Ronin thành nền tảng cho các game Web3. Theo công bố của Nguyễn Thành Trung, Ronin vẫn là blockchain được sử dụng nhiều thứ ba trên thế giới với hơn 1,1 triệu địa chỉ hoạt động hàng ngày. Ứng dụng Ví Ronin cũng đạt trên 10 triệu lượt tải.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm