Theo công bố trên tạp chí Cell Reports Physical Science, tròng kính mẫu thử được chế tạo từ tinh thể lỏng, có thể chặn tới 98% ánh sáng trong dải bước sóng 660-720nm - dải sóng được xác định là nguyên nhân gây co giật ở đa số bệnh nhân động kinh nhạy cảm với ánh sáng.
Giáo sư Zubair Ahmed, chuyên gia thần kinh học tại Đại học Birmingham, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết: "Đây là dự án vô cùng thú vị. Cách đây 4 năm khi bắt đầu, chúng tôi cứ ngỡ đây là một ý tưởng viễn tưởng. Giờ đây chúng tôi đã chứng minh được tiềm năng sử dụng tròng kính tinh thể lỏng trong việc lọc các bước sóng ánh sáng cụ thể".
Cơ chế hoạt động của kính dựa trên mạch điện nhỏ gọn được tích hợp trong gọng, điều khiển nhiệt độ tròng kính. Khi kích hoạt, tròng kính sẽ ở nhiệt độ vừa phải, tạo cảm giác thoải mái cho người đeo đồng thời ngăn chặn hiệu quả ánh sáng có thể gây co giật, đặc biệt hữu ích khi xem TV hay chơi game máy tính.
Giáo sư Rami Ghannam, chuyên gia điện tử học tại Đại học Glasgow, tác giả chính của nghiên cứu, nhấn mạnh: "Dự án này cho thấy sự hợp tác giữa các ngành kỹ thuật, thần kinh học và toán học có thể mang đến những phát kiến có tiềm năng cải thiện đáng kể cuộc sống của bệnh nhân".
Tuy nhiên, mẫu thử kính hiện tại mới chỉ hoạt động hiệu quả ở nhiệt độ phòng tối đa 26°C. Nhóm nghiên cứu cho biết họ đang tiếp tục cải tiến để nâng cao hiệu suất và tốc độ điều chỉnh nhiệt của kính trước khi tiến hành thử nghiệm trên người.