Tài chính

Số lượng máy ATM, POS đang có xu hướng giảm

Số lượng máy ATM, POS đang có xu hướng giảm- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) mới đây đã tổ chức họp Tổ thường trực giúp việc Ban chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện lần thứ hai.

Ông Phạm Minh Tú - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN)- Tổ phó Tổ thường trực, các giải pháp của Chiến lược đặt ra đã bao phủ toàn bộ các khía cạnh của tài chính toàn diện, gồm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thông qua việc ban hành các Luật như: Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Căn cước, Luật Giao dịch điện tử,… đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ tài chính, hoàn thiện, tăng hiệu quả sử dụng của cơ sở hạ tầng tài chính, giáo dục tài chính và bảo vệ người tiêu dùng.

Hệ thống mạng lưới tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính tiếp tục được rà soát, sắp xếp lại và phát triển hợp lý hơn, hướng tới những địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa với số lượng chi nhánh, phòng giao dịch của TCTD/100.000 người trưởng thành đạt 17,57%.

Mạng lưới ATM, POS phủ sóng đến tất cả tỉnh, thành phố trên cả nước, tuy nhiên, số lượng có xu hướng giảm do hiện nay các tổ chức cung ứng dịch vụ phát triển mạnh mẽ thanh toán qua QR code.

Đến cuối năm 2023, tỷ lệ xã/thị trấn (tính cho địa bàn nông thôn) có điểm cung ứng dịch vụ tài chính trên tổng số xã/thị trấn trên toàn quốc (không bao gồm Ngân hàng Chính sách xã hội) đạt 32,98%.

Các sản phẩm, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được đẩy mạnh phát triển, đạt tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng và giá trị giao dịch, chất lượng dịch vụ thanh toán không ngừng được cải thiện.

So với cùng kỳ năm 2022, năm 2023 số lượng tài khoản thanh toán của cá nhân tăng 21,8%; số lượng thẻ đang lưu hành tăng khoảng 1,27%.

Thanh toán qua thẻ, Internet, điện thoại di động cũng tăng tương ứng 11,6%, 54,77%, 59,86% về số lượng và 17,72%, 6,50%, 12,73% về giá trị giao dịch; thanh toán bằng QR Code đã được các ngân hàng triển khai mạnh mẽ với số lượng đạt 262,87 triệu giao dịch và 191,93 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, để triển khai có hiệu quả các giải pháp đã đặt ra, cần phát huy vai trò và trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương trong việc nghiên cứu và bám sát tình hình thực tiễn, đặc thù của địa phương khi xây dựng chính sách, quy định cũng như hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời trong quá trình triển khai thực hiện.

Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch hoạt động của Tổ thường trực giai đoạn 2021-2024 và định hướng Kế hoạch hoạt động năm 2025, đại diện Vụ Hợp tác quốc tế (NHNN) cho biết, Chiến lược đã được xác định rõ mục tiêu tổng quát “mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững”, trong đó, đã xác định được rõ phạm vi của các dịch vụ tài chính cơ bản và các nhóm đối tượng ưu tiên là dân cư ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người có thu nhập thấp, những người yếu thế như phụ nữ, người già, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm