Khoa học

Bất ngờ giữa sa mạc lại có loài cá sống trên 100 tuổi

Bất ngờ giữa sa mạc lại có loài cá sống trên 100 tuổi - Ảnh 1.

Một con cá trâu tại Apache - Ảnh: ĐẠI HỌC MINNESOTA

Những năm qua, các nhà nghiên cứu Đại học Minnesota miệt mài nghiên cứu các loài cá thuộc chi cá trâu (Ictiobus) bao gồm cá trâu môi lớn, trâu môi nhỏ, trâu đen.

Các khảo sát và thí nghiệm chỉ ra những loài cá này không chỉ sống sót trong điều kiện môi trường khắc nghiệt mà còn có tuổi thọ đáng kinh ngạc. Thậm chí, nhiều con đã vượt qua mọi giới hạn về sự lão hóa của động vật có xương sống.

Mọi chuyện bắt đầu khi một số ngư dân bắt gặp những đốm cam và đen kỳ lạ trên cơ thể nhiều con cá trâu tại hồ chứa Apache, vùng sa mạc Arizona, nơi các điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt. 

Các ngư dân đã không giấu được sự tò mò và liên hệ với nhà ngư học Alec Lackmann từ Đại học Minnesota để tiến hành phân tích khoa học.

Nhóm nghiên cứu đã phân tích otoliths - những "sỏi tai" nằm bên trong hộp sọ của cá. Tương tự như vòng cây, otolith phát triển từng lớp mỗi năm, cho phép các nhà khoa học xác định chính xác tuổi của cá qua kính hiển vi.

Kết quả phân tích cho thấy một số con cá trâu đầu tiên được thả vào khu vực thượng hồ Apache đã sống từ năm 1918 đến nay.

Bất ngờ giữa sa mạc lại có loài cá sống trên 100 tuổi - Ảnh 2.

Hình ảnh phân tích "sỏi tai" của nhiều con cá trâu hồ Apache - Ảnh: ĐẠI HỌC MINNESOTA

Nhóm đối chiếu lại các tư liệu được lưu trữ và nhận thấy những con cá này ban đầu được nuôi ở các trại giống và ao nuôi dọc sông Mississippi ở miền Trung Tây, sau đó được chính phủ thả vào hồ này năm 1918.

Mở rộng nghiên cứu, nhóm nhận thấy hơn 90% số cá trâu ở hồ Apache đã sống hơn 85 năm.

Ngoài hồ Apache, năm 2019 nhóm phát hiện tiếp tục một con cá trâu miệng lớn sống đến 112 tuổi ở Pelican Rapids, Minnesota.

Đến tháng 1-2023, nhóm nghiên cứu tiếp tục phát hiện một con cá trâu miệng lớn ở Saskatchewan (Canada) sống đến 127 tuổi. Nhóm cho rằng đây là một trong những loài cá nước ngọt sống lâu nhất còn tồn tại đến ngày nay.

Cá trâu có nguồn gốc từ miền trung Bắc Mỹ. Chúng có thể dài hơn 1,2m và nặng 29kg.

Trước đó, nhiều nhà nghiên cứu tin rằng cá trâu chỉ có thể sống khoảng 30 tuổi.

Bất ngờ giữa sa mạc lại có loài cá sống trên 100 tuổi - Ảnh 3.

Bắt cá trâu tại hồ Apache - Ảnh: ĐẠI HỌC MINNESOTA

Loài cá càng già, đề kháng càng mạnh

Hiện tại, Lackmann và các đồng nghiệp đang tiếp tục theo dõi các loài cá trâu miệng lớn và tập trung vào nghiên cứu DNA, sinh lý học, khả năng chống nhiễm trùng và so sánh các hệ thống sinh học theo thời gian.

Một trong những phát hiện ban đầu cho thấy loài cá này khi bước vào tuổi già lại thể hiện hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả và phản ứng tốt hơn trước các áp lực.

Cá trâu già ít bị căng thẳng hơn và có sức đề kháng tốt hơn nhờ khả năng chống lại vi khuẩn. Tỉ lệ bạch cầu hạt trung tính và tế bào lympho trong máu của chúng thấp, một dấu hiệu cho thấy mức độ căng thẳng thấp.

Ngoài ra, môi trường sống khắc nghiệt khiến chúng khó sinh sản, từ đó đòi hỏi chúng phải sống thọ nhằm bù đắp cho khoảng thời gian dài không sinh sản. Chẳng hạn tại Saskatchewan, đã có những con cá trâu sống tới 50 năm mà không đẻ trứng.

Bên cạnh đó, những hồ nơi cá trâu sống ít bị khai thác thương mại cũng góp phần duy trì đời sống ổn định của chúng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm