Ngày 8/7, BS.Trần Quốc Thành, Giám đốc Điều hành Bệnh viện CIH (TPHCM) cho biết, tại đây vừa tiếp nhận một bệnh nhân người nước ngoài trong tình trạng nhiễm trùng hoại tử rất nặng.
Bệnh nhân là ông Chea Kim E. (71 tuổi, quốc tịch Campuchia) được gia đình chuyển đến CIH trong tình trạng đau đớn dữ dội, bàn chân trái bốc mùi hôi thối.
Theo bệnh sử, trước đó người bệnh khởi phát với một vết loét nhỏ ở bàn chân trái. Ông đã đi thăm khám và điều trị tại một bệnh viện sở tại nhưng không thuyên giảm, vết thương ngày càng lan rộng, nhiễm trùng, hoại tử nhưng không tìm được nguyên nhân.
![]() |
Các bác sĩ đã nỗ lực can thiệp giúp bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nhiễm trùng, hoại tử |
Người bệnh đã buộc phải cắt 3 ngón chân (số 3, 4, 5) với hy vọng ngăn chặn được tình trạng nhiễm trùng hoại tử. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, bệnh chẳng những không lành mà còn tiếp tục hoại tử, ngón thứ 4 tiếp tục chuyển sang màu đen, đau đớn dữ dội.
Cùng với hoại tử lan rộng, ông E. còn bị sốt cao, nhiễm trùng cấp, đau nóng từ bàn chân lan lên cẳng chân, co giật cơ liên tục khiến ông suy kiệt. Trên nền bệnh đái tháo đường khiến tình trạng người bệnh trở nên nghiêm trọng, đe dọa sinh mạng. Bệnh nhân được gia đình đưa sang Việt Nam điều trị.
Tại Bệnh viện CIH, các bác sĩ đã thực hiện siêu âm doppler, kết quả cho thấy ông E. bị tắc hoàn toàn 1/3 dưới động mạch đùi nông; và động mạch chày trước, chày sau. Đây là lý do khiến máu không thể nuôi mô mềm, dẫn đến hoại tử nặng.
Các bác sĩ đã quyết định thực hiện kỹ thuật can thiệp mạch. Sau khi thực hiện thành công phương pháp khoan phá mảng xơ vữa ở động mạch đùi nông và tái thông động mạch chày trước, ê kíp bác sĩ đã đặt stent dẫn máu xuống bàn chân giúp tưới máu cứu chi.
Sau can thiệp và điều trị tích cực, tình trạng nhiễm trùng, hoại tử được ngăn chặn. Bệnh nhân vượt qua nguy kịch và thoát khỏi nguy cơ phải đoạn chi. Sau 2 tuần điều trị, sức khỏe người bệnh đã bình phục tốt.
Từ trường hợp trên BS Lê Văn Tuyến, khoa Tim mạch của bệnh viện cảnh báo, vết loét nhỏ nếu chủ quan sẽ trở thành bi kịch nếu không được chẩn đoán đúng và xử trí sớm. Với người cao tuổi, đặc biệt là có bệnh nền như đái tháo đường, nguy cơ tắc mạch rất cao. Do đó, người bệnh cần được thăm khám chuyên sâu ngay khi xuất hiện bất thường dù là nhỏ nhất.
Các bác sĩ cho biết, tắc động mạch chi dưới là tình trạng các mạch máu dẫn máu từ tim đến chân bị tắc nghẽn. Khi máu không tới nuôi mô, mô sẽ chết (hoại tử), gây nhiễm trùng, hoại tử. Bệnh tiến triển âm thầm nhưng hậu quả nặng nề, đặc biệt ở người đái tháo đường hoặc có bệnh tim mạch. Dấu hiệu thường gặp là đau chân khi đi bộ, vết loét lâu lành, lạnh chân, tê rần.