Chứng khoán

Kinh tế trưởng MBS: Dư nợ margin lên cao, NĐT cần lưu ý quản trị danh mục và bảo toàn lợi nhuận

Tại chuyên mục “Tâm điểm chứng khoán” do Chứng khoán MB (MBS) tổ chức, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng MBS nhận định thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro ngắn hạn khi tỷ lệ đòn bẩy đã bắt đầu có xu hướng tăng.

Cụ thể, từ cuối năm ngoái, khi VN-Index có mức định giá rất hấp dẫn và khối lượng giao dịch cạn kiệt thì thị trường dần tạo đáy đi lên mặc dù xen lẫn những nhịp điều chỉnh, tuy nhiên khối lượng giao dịch gần như không tăng. Dễ thấy trong giai đoạn thị trường ở những mức điểm số thấp, cổ phiếu mang tính cơ bản cao dẫn dắt thị trường, định giá thị trường ở mức hấp dẫn thì cổ phiếu sẽ được nắm giữ rất chặt bởi những nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn.

Do đó, để thị trường tăng điểm không cần sự hỗ trợ quá nhiều về mặt thanh khoản và margin. Bằng chứng là cuối quý I mặc dù thị trường đã phục hồi lên trên 1.000 điểm nhưng quy mô margin ở khu vực này gần như không thay đổi đáng kể so với cuối quý IV/2022.

Tuy nhiên từ thời điểm cuối tháng 4 trở lại đây thì thị trường đã bắt đầu đi lên khá mạnh mẽ cả về điểm số, các cổ phiếu có tính trading nhanh cũng tăng giá mạnh mẽ; kéo theo đó là khối lượng giao dịch cuộn lên mạnh mẽ, tăng khoảng 70% so với thời điểm trước đây.

Nguồn: Chứng khoán MB.

Margin của thị trường theo đó cũng đi lên, con số ước tính tại thời điểm cuối tháng 6 khoảng 150.000 tỷ đồng và đến hiện tại giá trị margin có thể đã cao hơn con số này. Đó là một trong những yếu tố nhà đầu tư nên lưu ý vì chúng ta thường kỳ vọng rằng dòng tiền từ kênh gửi tiết kiệm sẽ chảy vào thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên theo dõi lại trong khoảng thời gian vừa qua, dòng tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng không những không giảm mà còn có xu hướng tăng rất mạnh. Điều này cho thấy không hẳn dòng tiền tiết kiệm đổ vào thị trường chứng khoán mà động lực đi lên của thị trường chứng khoán trong thời gian qua đến từ đòn bẩy.

“Tại thời điểm này nếu so với dữ liệu trong quá khứ thì đòn bẩy tính đến cuối tháng 6 không quá cao so với trước đây. Có thể thấy trong tháng 7 vừa qua và những ngày đầu tháng 8 thì dòng tiền vẫn sẽ tiếp tục luân chuyển vào thị trường và chúng ta có thể tương đối chắc chắn rằng các công ty chứng khoán sẽ tiếp tục mở rộng cho vay margin. Dòng tiền này hiện nay đang có xu hướng tiếp tục nâng đỡ thị trường, tạo động lực tăng trưởng chính cho thị trường”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Nguồn: Chứng khoán MB. 

Cũng theo Kinh tế trưởng MBS, sau quý I, dư nợ margin của một loạt công ty chứng khoán đều có xu hướng tăng mạnh để bắt kịp các cơ hội kinh doanh này và để chiếm lĩnh thị phần. Hiện nay tổng dư nợ margin trên vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán đã bắt đầu quay trở lại mức cao thay vì mức tương đối thấp của quý I.

“Giá trị margin chưa ở mức cao nhất, nhưng ở một số công ty chứng khoán sử dụng đòn bẩy và có truyền thống cho vay margin nhiều, con số cũng đã tương đối cao và tiệm cận ngưỡng kỷ lục. Tuy nhiên một số trường hợp khác công ty chứng khoán đã tăng vốn mạnh mẽ trong thời gian qua và chuyển dần một phần vốn vào kênh trái phiếu thì mức dư nợ margin trên vốn chủ sở hữu chưa đạt đến mức đỉnh trước đây”.

Trong thời gian tới, ông Tuấn cho rằng dư nợ margin sẽ còn tiếp tục tăng để hỗ trợ cho thị trường, tuy nhiên con số đã ở mức cao. Tính đến cuối tháng 6, dư nợ margin trên tổng vốn hóa thị trường là 3,2%, chưa chạm đến ngưỡng đỉnh 3,4%, tuy nhiên đã ở mức khá cao. Do đó, thị trường hiện nay đã bắt đầu có yếu tố mang tính đầu cơ và giá của cổ phiếu cũng không còn rẻ nữa.

“Câu chuyện phân hóa được thấy rõ trong 2 tuần gần đây. Mặc dù thị trường có vẻ rất sôi động nhưng một số nhà đầu tư không có lãi. Thị trường có thể sẽ tiếp tục có động lực tăng trưởng ở một số mã nóng, nhưng góc nhìn của tôi thời điểm này chúng ta nên quản trị danh mục, giảm bớt dư nợ margin và áp dụng chính sách bán chặn lãi để bảo toàn lợi nhuận”, ông Tuấn khuyến nghị.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm