Doanh nghiệp

Kinh nghiệm thực tiễn của VMO Holdings trong tiến trình số hóa

Với những bước tăng trưởng thần tốc, Công ty Cổ phần Công nghệ VMO Holdings tại cột mốc 10 năm phát triển đã có đến 1200 thành viên, mở nhiều chi nhánh tại các thị trường quốc tế như Nhật Bản và Mỹ. Với những lợi thế về chuyên môn trong ngành Công nghệ Thông tin, VMO đã góp phần làm nên thành công cho hàng trăm đối tác cả trong và ngoài nước, đạt giải thưởng Sao Khuê 2022, lọt top 10 doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm và dịch vụ CNTT tại Việt Nam 2022 và được trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TT&TT vì có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành TT&TT tại Việt Nam. VMO hiện cũng được kỳ vọng là nhân tố tích cực trong tiến trình chuyển đổi số của Quốc gia trong thời gian tới.

Để đạt được những thành tích đó, VMO định hướng tinh thần quan trọng nhất là luôn tự đào tạo, học hỏi từ chính mình, từ đó góp phần giải quyết bài toán thiếu hụt nhân lực công nghệ số tại Việt Nam về cả chất và lượng.

Tầm nhìn của VMO Holdings về công nghệ số tại Việt Nam và quốc tế

Theo thống kê mới nhất của Cục chuyển đổi số quốc gia, tính đến tháng 6/2022, tỷ trọng kinh tế số trong GDP đã đạt 10,41%, tăng mạnh so với mức 9,6% tại cuối năm 2021. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tỷ trọng kinh tế số sẽ chiếm 20% GDP vào năm 2025, cả nước sẽ cần thêm rất nhiều những nỗ lực từ tất cả các bên.

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia có mục tiêu kép nhằm vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Để làm được điều đó, tầm nhìn của VMO là sẵn sàng đưa công nghệ thông tin và công nghệ số thành lợi thế cạnh tranh cốt lõi trong kỷ nguyên cách mạng 4.0, nâng cao vị thế trên thị trường Việt Nam và Thế giới. Từ đó, đem lại môi trường hiện đại, cuộc sống thịnh vượng hơn cho người dân Việt Nam nói chung và người lao động trong các doanh nghiệp nói riêng.

VMO gắn liền sứ mệnh của doanh nghiệp với sứ mệnh quốc gia và cộng đồng, hứa hẹn trở thành nhân tố tích cực trong quá trình chuyển đổi số. VMO góp phần lan tỏa tinh thần "công nghệ vị nhân sinh" ở trong nước và mong muốn tạo được tiếng vang trên trường quốc tế.

Kinh nghiệm thực tiễn của VMO Holdings trong tiến trình số hóa - Ảnh 1.

Ứng dụng Công nghệ Thông tin đang góp phần số hóa ngành Nông Nghiệp và Y Tế như thế nào?

IoT trong nông nghiệp

Các dịch vụ chuyển đổi số mà VMO cung cấp hiện đang đóng góp những vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển các ứng dụng về IoT trong nông nghiệp, giao thông vận tải, y tế…, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên trường quốc tế.

Kinh nghiệm thực tiễn của VMO Holdings trong tiến trình số hóa - Ảnh 2.

Trong đó, dự án chuyển đổi số trong nông nghiệp đã thực sự mang đến những biến chuyển tích cực nhờ cung cấp giải pháp giám sát lưu trữ và vận chuyển. Các sản phẩm đều sử dụng cảm biến không dây để giám sát nhiệt độ, độ ẩm và carbon dioxide (CO2) và kết nối với phần mềm để cung cấp thông tin thiết yếu nhằm hỗ trợ trong việc bảo toàn chất lượng kho. 7 trong số 10 công ty ngũ cốc lớn nhất ở Hoa Kỳ tin tưởng giải pháp này cho việc giám sát lưu trữ và vận chuyển ngũ cốc.

Công nghệ IoT của VMO Holdings được ứng dụng tiêu biểu trong các dự án sử dụng nền tảng 3G/4G để truyền tải dữ liệu mọi nơi, sử dụng pin Lithium kéo dài tuổi thọ thiết bị, nền tảng phần mềm thông minh, hỗ trợ theo dõi và thông báo theo thời gian thực. Đồng thời, việc sử dụng AI/ML cho phép dự đoán trước các vấn đề có thể xảy ra với kho lưu trữ và nền tảng SAAS cung cấp khả năng mở rộng và tùy biến tùy theo nhu cầu của từng khách hàng.

Theo thống kê của WHO, tính đến 2022, chúng ta lãng phí khoảng 1,4 tỷ tấn thực phẩm mỗi năm trên toàn cầu. Trong đó, hơn 30% thực phẩm bị thất thoát hoặc lãng phí mỗi năm chính là do các vấn đề trong khâu lưu trữ, bảo quản nông nghiệp, kéo theo hệ lụy không hề nhỏ về thất thoát chi phí. Các giải pháp của VMO Holdings đã và đang được triển khai ở nhiều quốc gia trên thế giới, chính là chìa khóa để giải quyết bài toán chi phí đó, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp lẫn người dân.

Chuyển đổi số trong Y tế

Trong lĩnh vực Y tế, dự án chuyển đổi số của VMO Holdings mang đến các giải pháp để thiết kế, xây dựng nền tảng đám mây an toàn, cho phép các đơn vị cung cấp chương trình chăm sóc sức khỏe trực tuyến. Các bệnh viện, phòng khám giờ đây có thể kết nối với bệnh nhân từ xa thông qua nền tảng số, điển hình như các website, ứng dụng cài đặt trên điện thoại thông minh.

Kinh nghiệm thực tiễn của VMO Holdings trong tiến trình số hóa - Ảnh 3.

Các nền tảng có thể tự động chăm sóc bệnh nhân từ xa qua thông báo và hướng dẫn thông tin trên ứng dụng, cập nhật thông tin do người bệnh cung cấp, ví dụ như bản khảo sát bệnh nhân, dữ liệu sinh lý học, dữ liệu bệnh án…

Từ đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ có thể mở rộng phạm vi chăm sóc từ bệnh viện tới gia đình bằng việc quản lý, truy vấn thông tin bệnh nhân, đưa ra lộ trình điều trị thích hợp, giải thích các thắc mắc của bệnh nhân liên quan đến dữ liệu sinh lý học và thu thập bổ sung dữ liệu về sức khỏe dân số. Tất cả đều có thể thực hiện trực tuyến, bệnh nhân không cần đến bệnh viện, phòng khám để được tư vấn, hỗ trợ từ đội ngũ Y tế.

Hiện tại, nền tảng chuyển đổi số của VMO Holdings đã được triển khai ở hàng trăm bệnh viện, phòng khám trên thế giới, đem lại các tiện ích tối ưu hơn trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe.

Với những thay đổi tích cực trong ngành Nông nghiệp và Y tế, VMO Holdings kỳ vọng sẽ tiếp tục đem đến những giải pháp chuyển đổi số, đóng góp nhiều hơn trong lĩnh vực IoT và nhiều ngành nghề hơn, ngày càng tiến gần đến mục tiêu hoàn thành chương trình Chuyển đổi số Quốc gia trong những năm sắp tới.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm