Sau khi đồng yen Nhật Bản giảm xuống mức thấp kỷ lục mới trong 32 năm qua trong phiên giao dịch ngày 21/10, các nhà phân tích dự đoán rằng đồng yên sẽ tiếp tục chịu sức ép, do nhu cầu đồng đô la Mỹ của các nhà nhập khẩu Nhật Bản được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh.
Phiên 21/10, đồng yen của Nhật Bản giảm so với đồng USD trong tuần thứ 10 liên tiếp, lần đầu tiên chạm ngưỡng 151 yen đổi 1 USD kể từ tháng 7/1990, trong bối cảnh các nhà đầu tư cho rằng Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ duy trì chính sách tiền tệ lỏng trong cuộc họp chính sách tiền tệ diễn ra trong hai ngày 27-28/10 tới.
Trước tình trạng giá đồng yen liên tục "lao dốc", Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki nhấn mạnh sự suy yếu đột ngột và một chiều của đồng yen gần đây là diễn biến không mong muốn và Chính phủ Nhật Bản sẵn sàng hành động. Theo ông, các nhà chức trách đang xử lý nghiêm các đối tượng đầu cơ tiền tệ.
Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản, Haruhiko Kuroda, khẳng định ngân hàng này sẽ theo dõi chặt chẽ tác động của các diễn biến tiền tệ.
Các nhà đầu tư hiện tỏ ra "ưa chuộng" đồng USD hơn đồng yen, do "đồng bạc xanh" được cho là mang lại lợi nhuận tốt hơn, vào thời điểm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được dự báo sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.
Trong phiên 21/10, chỉ số đồng USD tăng 0,2% so với rổ tiền tệ chính, lên 113,130, trong bối cảnh trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm qua và Fed được dự báo có thể tiếp tục tăng lãi suất từ nay đến cuối năm.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tiếp tục duy trì xu hướng tăng sau khi chạm mức cao mới của 14 năm trong phiên ngày 20/10, sau khi Chủ tịch Fed chi nhánh Philadelphia Patrick Harker bình luận về kế hoạch thặt chặt tiền tệ.
Lợi suất trái phiếu tăng cao đã thúc đẩy nhiều người mua vào đồng USD. Ông Harker dự báo lãi suất của Mỹ sẽ “cao hơn 4%” vào cuối năm nay, so với mức mục tiêu 3-3,25% hiện nay.
Sự sụt giảm của đồng yen diễn ra liên tiếp do có đồn đoán rằng các cơ quan quản lý tiền tệ Nhật Bản có thể can thiệp để hỗ trợ đồng tiền này. Lần gần nhất các nhà chức trách Nhật Bản tiến hành hoạt động mua đồng yen, bán đồng USD là vào ngày 22/9, khi đồng yen giao dịch ở mức 1 USD đổi 145,90 yen.
Đồng yen sụt giảm cũng phản ánh khoảng cách chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ ngày càng tăng khi BoJ vẫn kiên định với lập trường ôn hòa, trong khi Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất hơn nữa.
Trong khi đó, đồng USD cũng mạnh lên so với đồng bảng Anh, sau khi thị trường tài chính rơi vào hỗn loạn liên quan đến kế hoạch của Chính phủ Anh về cắt giảm thuế để hỗ trợ nền kinh tế nước này do khủng hoảng giá năng lượng và thực phẩm. Giá đồng bảng Anh đã giảm 0,8% trong một tuần qua và hiện giao dịch ở mức 1 bảng Anh đổi 1,11535 USD
Trước đó, trong ngày 21/10, Chính phủ Nhật Bản thông báo giá tiêu dùng cơ bản, không tính các mặt hàng thực phẩm tươi sống, tại nước này trong tháng 9/2022 đã tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất kể từ năm 2014. Đây là tháng thứ sáu liên tiếp Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Nhật Bản cao hơn mục tiêu lạm phát 2% mà BoJ đề ra.
Tuy nhiên, BoJ tin rằng mức lạm phát này là tạm thời và không tăng lãi suất giống như ngân hàng trung ương các nước khác. Nhiều nhà kinh tế nhận định CPI của Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm.
Trong bối cảnh người tiêu dùng lo ngại về lạm phát, Chính phủ Nhật Bản đã hạn chế tăng giá bán lẻ xăng, dầu thông qua việc trợ cấp cho các nhà bán buôn, đồng thời quản lý giá lúa mỳ nhập khẩu. Chính phủ Nhật Bản đang chuẩn bị thêm một gói kinh tế để giảm gánh nặng cho các hộ gia đình.