Khoa học

Không chỉ thay đổi quỹ đạo, tiểu hành tinh mà NASA đâm vào đã biến thành một ngôi sao chổi

Vào tháng trước, Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA) đã tiến hành Thử nghiệm Chuyển hướng Tiểu hành tinh Đôi (DART), một sứ mệnh không gian trong đó họ dùng một tàu vũ trụ đâm vào một tiểu hành tinh để thay đổi hướng di chuyển của nó.

Không chỉ thay đổi quỹ đạo, tiểu hành tinh mà NASA đâm vào đã biến thành một ngôi sao chổi - Ảnh 1.

Minh họa cho sứ mệnh DART.

Lý do bởi các nhà thiên văn học không biết liệu có tiểu hành tinh nguy hiểm nào hướng đến Trái đất trong 100 năm tới không, nhưng NASA muốn chuẩn bị sẵn sàng trong mọi trường hợp. Vì vậy, vào ngày 26/9, tàu vũ trụ DART đã đâm vào tiểu hành tinh Dimorphos, đẩy nó gần hơn một chút đến tiểu hành tinh lớn hơn mà nó quay quanh, được gọi là Didymos.

Đó là một thành công vang dội, khi các ghi nhận sau đó cho thấy tiểu hành tinh này đã thay đổi quỹ đạo. Tuy nhiên, theo những hình ảnh mới được ghi nhận từ Kính viễn vọng Không gian Hubble, một số hành vi bất ngờ từ hệ thống cặp đôi tiểu hành tinh Didymos- Dimorphos đã xuất hiện.

Không chỉ thay đổi quỹ đạo, tiểu hành tinh mà NASA đâm vào đã biến thành một ngôi sao chổi - Ảnh 2.

Quá trình đâm tàu vũ trụ vào tiểu hành tinh Dimorphos.

Cụ thể, hệ thống tiểu hành tinh đôi đã phát triển một đuôi kép, được xem như hai vệt kéo dài về phía sau từ một quả cầu sáng nhuốm màu xanh lam. Và hình ảnh này không giống với các ghi nhận trước khi NASA đâm tàu vũ trụ vào nó.

Một tiểu hành tinh - đơn giản là một tảng đá - thường xuất hiện như một điểm sáng trong ảnh chụp từ kính thiên văn. Nhưng một sao chổi - một quả cầu băng và bụi - thường có hai đuôi riêng biệt. Một cái đuôi có màu trắng và được làm bằng bụi. Cái còn lại trông có màu xanh lam, vì nó được làm từ các hạt mang điện được gọi là ion.

Không chỉ thay đổi quỹ đạo, tiểu hành tinh mà NASA đâm vào đã biến thành một ngôi sao chổi - Ảnh 3.

Hình ảnh của Kính viễn vọng Không gian Hubble cho thấy hệ thống tiểu hành tinh Didymos-Dimorphos với hai đuôi bụi, sau vụ va chạm của tàu vũ trụ DART.

Nhờ tác động va chạm của DART, một luồng bụi và đá đã tung ra từ Dimorphos ra ngoài không gian. Bây giờ, nó có hình dạng đuôi chẻ của một ngôi sao chổi. Các nhà thiên văn học sau đó đã sử dụng kính thiên văn trên mặt đất để quan sát phần đuôi dài của tiểu hành tinh, tính toán nó dài khoảng 10.000 km. Chiếc đuôi kép đó là một "sự phát triển bất ngờ", theo tuyên bố của NASA về bức ảnh do Hubble chụp được.

Hubble đã quan sát hệ thống tiểu hành tinh đôi Dimorphos-Didymos 18 lần kể từ vụ va chạm của DART. Các hình ảnh cho thấy chiếc đuôi thứ hai được hình thành vào khoảng giữa ngày 2 và 8/10. Các nhà khoa học không chắc nó đã xảy ra như thế nào, theo NASA, nhưng họ sẽ tiếp tục điều tra trong những tháng tới.

Không chỉ thay đổi quỹ đạo, tiểu hành tinh mà NASA đâm vào đã biến thành một ngôi sao chổi - Ảnh 4.

Hình ảnh về sao chổi Halley được chụp bởi W. Liller, trên Đảo Phục sinh, vào ngày 8/3/1986.

Bằng cách thu thập càng nhiều dữ liệu càng tốt về tác động của DART và những gì đã xảy ra với Dimorphos sau đó, NASA sẽ có thể lên kế hoạch cho bất kỳ sứ mệnh nào trong tương lai nhằm làm chệch hướng một tiểu hành tinh có thể gây nguy hiểm cho Trái đất. Các kính thiên văn trên khắp hành tinh và khắp quỹ đạo Trái đất, bao gồm cả Kính viễn vọng Không gian James Webb mới, đang theo dõi sát sao cặp đôi tiểu hành tinh này.

Tham khảo Cnet, BI

Cùng chuyên mục

Đọc thêm