Dữ liệu: P. Nguyen, Nguồn: Oxsico.com - Đồ họa: TUẤN ANH
Song điều ngạc nhiên là dù mức lương không tương xứng với nỗ lực chất xám, các vị trí giảng viên đại học, cao đẳng vẫn luôn được cạnh tranh mạnh mẽ giữa các ứng viên.
Phải chăng vì tự hào với danh xưng "giảng viên đại học" nên độ cạnh tranh ở vị trí này luôn nóng dù mức lương cầm tay chỉ vô cùng khiêm tốn, hay còn vì lý do nào nữa? Một lần nữa TS giáo dục Phương Nguyễn - thành viên Hiệp hội giáo dục quốc tế HETL, đồng thời là nhà nghiên cứu và cố vấn cấp cao về đầu tư quốc tế và quản trị nhân lực của Đại học Frankfurt Goethe Universität (Đức) - chỉ ra những "động lực" không trong sáng trong vấn đề này.
Lợi dụng chính sách
Cho tới nay nhiều trường đại học Việt Nam vẫn phát triển nguồn giảng viên chủ yếu từ sinh viên. Được giữ lại trường đồng nghĩa với cơ hội du học bằng ngân sách cao hơn rất nhiều so với các ngành khác. Thêm nữa, việc được hưởng cái "oai" là "giảng viên đại học" dù tuổi đời và nghề còn trẻ cũng là một động lực cạnh tranh phấn đấu.
Chưa kể người Việt vẫn quan niệm làm giảng viên sẽ giúp nữ giới hạnh phúc, êm ấm hơn vì có nhiều thời gian cho gia đình, giúp nam giới có nhiều cơ hội thăng tiến làm rạng danh dòng họ.
Đề án học bổng tiến sĩ 911 (đề án 10 năm 2010 - 2020 đào tạo 23.000 tiến sĩ với ngân sách 14.000 tỉ đồng) ra đời đã mở ra nhiều cơ hội hơn khi tiêu chí tuyển chọn "mở". Ví như cho phép tuyển ứng viên tự do chỉ cần đạt tiêu chí có học lực khá trở lên, năng lực tiếng tùy vào lựa chọn ngôn ngữ (nếu viết tiếng Anh chỉ cần IELTS từ 5 điểm, ngoại ngữ khác phụ thuộc yêu cầu từ trường nước sở tại), và đề cương nghiên cứu được giáo sư và trường đại học nước ngoài chấp nhận.
Lợi dụng tiêu chí mở này, không ít ứng viên yếu kém đã tìm cách "phù phép" để thỏa mãn điều kiện.
Anh Minh Tuấn, một nghiên cứu viên nhiều năm tại Đức, cho biết trong bốn năm làm nghiên cứu sinh tại Đức từ 2008 - 2012, anh đã gặp không ít tình huống ứng viên đề án 911 gõ cửa nhờ giúp kết nối với giáo sư nhận người vì họ vừa bị "đuổi".
Dù chưa một lần gặp trực tiếp, chỉ là kết nối bạn bè, nhưng là đồng hương nên anh nhận giúp. Khi tiếp xúc mới vỡ lẽ, cái cơ bản đầu tiên là tiếng Anh giao tiếp thì nhiều người đã không đạt.
Tiếp đến là đề cương trình bày tiêu chuẩn quốc tế cũng không ổn. Anh hỏi họ sao tiếng Anh không đạt mà vẫn lấy được học bổng thì mới vỡ lẽ khi làm hồ sơ xét học bổng, họ khai làm theo ngôn ngữ tiếng Đức nên hoàn toàn không phải chứng minh trình độ tiếng cho phía Việt Nam.
Với học bổng do Chính phủ Việt Nam cấp, họ cũng dễ luồn lách hơn để có được sự chấp nhận hướng dẫn đề tài từ giáo sư Đức. Chỉ tới khi qua Đức bắt tay vào việc, mọi chuyện liên quan tới vấn đề năng lực tiếng và chuyên môn mới vỡ lở.
Đầu vào không đạt chuẩn nên tỉ lệ đầu ra thấp. Thêm vào đó, nhiều trường hợp bỏ ngang chuyển qua học nghề để ở lại Đức, hoặc cũng có trường hợp học xong tiếp tục tìm cơ hội khác, không về cống hiến theo cam kết ban đầu (theo báo cáo của đề án 911). Kết quả đề án 911 thất bại, không đạt được mục tiêu và phải dừng sớm trước ba năm theo kế hoạch.
Từ mùa thu năm nay Pháp chính thức trở thành quốc gia đầu tiên yêu cầu nghiên cứu sinh phải tuyên thệ lời thề liêm chính khoa học trong ngày bảo vệ luận án - Ảnh: Science.org
Những dịch vụ "xấu xí"
Từ cuối năm ngoái đầu năm nay, trên trang liên kết nhóm trong cộng đồng trí thức Việt Nam xuất hiện một loạt các bài đăng tuyển dụng gây tò mò như "tìm giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ mang quốc tịch Việt Nam tại nước ngoài cho vị trí giảng viên cơ hữu làm việc trực tuyến".
Các bài đăng tuyển như vậy gây xôn xao bởi nói tới "cơ hữu" tức là những người thuộc biên chế chính thức của trường thì sao nhà trường không tuyển làm trực tiếp mà lại là trực tuyến?
Không khó để kiểm tra thực hư thông tin và điều khiến tôi ngạc nhiên hơn khi biết mức lương cố định cho vị trí này vô cùng thấp, chỉ 6 - 10 triệu đồng/tháng, nhưng mức thưởng cho việc đăng được bài báo khoa học rất cao, từ 40 - 60 triệu đồng/bài, tùy thứ hạng.
Đem câu chuyện lạ lùng này hỏi một nhà khoa học có thâm niên trong nước, tôi nhận được câu trả lời vô cùng bất ngờ. Ông cho biết việc tuyển dụng này khó khả thi với người trong nước, vì nếu ở trình độ tiến sĩ trở lên, hầu hết họ đã là giảng viên cơ hữu và ổn định biên chế đâu đó nên không thể ký thêm hợp đồng biên chế với nơi khác.
Tuy nhiên nếu chỉ nhằm thuê viết bài cho trường nâng vị thế thì cách đăng tuyển giảng viên cơ hữu này có vẻ hơi cồng kềnh, không cần thiết. Bởi thực tế hiện nay có không ít tác giả trường này bán bài cho trường khác qua hình thức cộng tác nghiên cứu đồng tác giả.
Điều này có nghĩa tác giả A của trường X là tác giả chính, nhưng đưa tên lãnh đạo của trường Y vào đồng tác giả thì bài viết được tính cho cả hai trường. Cả hai tác giả đều được thưởng bài theo chế độ của trường Y mà hoàn toàn không phạm luật. Mua bài báo theo cách này lựa chọn sẽ phong phú hơn khi không nhất thiết phải yêu cầu ứng viên trở thành giảng viên cơ hữu.
Vậy đằng sau việc tìm "giảng viên cơ hữu online" có phải chỉ vì mục tiêu viết bài hay còn lợi ích nào khác?
Câu hỏi bỏ ngỏ nhưng tôi nhớ lại một chia sẻ gần đây từ người bạn là giáo sư ngành tài chính ở một trường đại học của Úc. Ông kể một trường đại học tư nhân quốc tế ở Việt Nam muốn ông đứng tên để lập khoa nhưng không cần về nước công tác.
Giá cho thuê bằng, thuê tên tuổi được ông tiết lộ ở mức khá cao, ngang mức lương một kỹ sư công nghệ thông tin tại Mỹ có kinh nghiệm. Nhưng vì đang là thành viên trong các hội đồng xét duyệt giáo sư, nếu mắc sai sót có thể phá hỏng sự nghiệp nên ông từ chối. Ông nói đùa tôi: "Cô làm săn đầu người nhân sự cấp cao biết ai giới thiệu giúp họ đi".
Thật sự trong sự nghiệp 10 năm làm nghề "săn đầu người" ở nước ngoài, tôi chưa từng thấy một kiểu "việc nhẹ lương cao" như vậy. Tìm hiểu thêm tôi được biết Việt Nam vẫn còn "khan hiếm" tiến sĩ.
Những mục tiêu số lượng tiến sĩ trong các đề án học bổng đều không thành công. Thật vậy, trong hai năm 2020 và 2021, các trường đại học trên cả nước chỉ tuyển sinh được khoảng 1/3 tổng chỉ tiêu đào tạo bậc tiến sĩ, theo thống kê của Bộ GD&ĐT.
Trong khi đó, tiêu chuẩn để lập trường, lập khoa, lập bộ môn cho các trình độ đào tạo thạc sĩ trở lên lại đòi hỏi đội ngũ giảng dạy, hướng dẫn phải có học vị tối thiểu từ tiến sĩ trở lên. Trong đó, mỗi bộ môn phải có ít nhất một giáo sư hay phó giáo sư trong ban cố vấn chuyên môn.
Khi nhu cầu kinh doanh giáo dục nở rộ, nguồn cung tiến sĩ, giáo sư càng trở nên khan hiếm hơn so với cầu. Chính vì vậy, phải chăng việc "thuê bằng" nhập ngoại bù đắp cho sự thiếu hụt trong nước có vẻ là một giải pháp tạm thời hiệu quả?
Đào tạo khó một, giữ người khó mười
Nhìn sâu vào bức tranh đời sống của giới học thuật nước nhà vẫn nổi lên hai chữ "gian nan". Cơ hội phát triển còn quá ít so với nỗ lực, chế độ đãi ngộ theo quy định nhà nước thấp hơn nhiều lần so với các ngành nghề dùng chất xám khác.
Tuổi trẻ có thể sống không màng vật chất mà chủ yếu vì lý tưởng, nhưng theo năm tháng ai cũng cần có một gia đình để chăm lo, phấn đấu. Đúng là Nhà nước đã có nhiều chính sách thu hút nhân tài bằng việc đầu tư chi phí đào tạo. Nhưng chính sách nuôi dưỡng, phát huy tài năng và giữ chân chất xám sau đào tạo lại đang còn để ngỏ.
Trong khi thực tế cho thấy việc đào tạo nhân tài khó khăn, tốn kém một phần thì việc giữ họ khó gấp mười. Nếu không có chính sách đãi ngộ thỏa đáng thì thành quả đào tạo của Nhà nước sẽ chảy đi chỗ khác như hiện tượng chảy máu chất xám bấy lâu nay.
Chưa kể đạo đức liêm chính khoa học bị xói mòn bởi sức ép cơm áo gạo tiền đã để lại những hệ lụy không chỉ với một vài cá nhân, tổ chức, mà nặng nề hơn sẽ kéo lùi mọi nỗ lực cống hiến của cả cộng đồng học thuật và hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.