Nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà thiên văn học hành tinh Shubham Kanodia từ Phòng thí nghiệm Trái Đất và hành tinh của Viện Carnegie ở Washington DC - Mỹ đã tìm thấy hành tinh "ngọt ngào" mang tên TOI-3757b từ kho dữ liệu không lồ của Vệ tinh Khảo sát ngoại hành tinh TESS của NASA.
Theo tờ Space , "mẹ" của hành tinh là ngôi sao lùn đỏ TOI-3757, nằm cách Trái Đất 580 năm ánh sáng trong chòm sao Ngự Phu . Điều này làm cho TOI-3757b trở nên độc nhất vô nhị.
Ảnh đồ họa mô tả hành tinh kẹo dẻo (phảo) sáng lên với ánh màu hồng cam do được chiếu sáng bởi một ngôi sao lùn đỏ - Ảnh: NOIRLab/NSF/AURA
Theo tiến sĩ Kanodia, các hành tinh khổng lồ rất khó hình thành xung quanh các ngôi sao lùn đỏ, một vài cái hiếm hoi từng được quan sát thì ở rất xa sao mẹ. Đây là hành tinh khí gần đầu tiên được quan sát quanh loại sao này, cho dù sao lùn đỏ là loại sao nhiều nhất trong thiên hà chứa Trái Đất Milky Way (Ngân Hà), tỉ lệ có thể lên tới 73%.
Nguyên nhân của điều này là do sao lùn đỏ với bức xạ mạnh mẽ có thể tước bỏ bầu khí quyển bất kỳ gã khổng lồ khí nào ở xung quanh nó. Bất chấp tất cả, TOI-3757 tồn tại, nhưng tất nhiên với những tính chất đặc biệt.
Theo tờ Science Alert , nó to hơn Sao Mộc - hành tinh lớn nhất hệ Mặt Trời - một chút nhưng lại có khối lượng rất thấp, chỉ khoảng 85 lần Trái Đất. Để so sánh, Sao Mộc có khối lượng gấp 318 lần Trái Đất.
Mật độ của hành tinh này là 0,27 gam trên một cm khối. Đó là một hành tinh cực kỳ mềm mại - mềm mại đến mức không rõ bằng cách nào nó có thể hình thành rất gần với ngôi sao của nó: chỉ mất 3,43 ngày để quay hết một vòng quanh sao mẹ.
Tiến sĩ Kanodia và các đồng nghiệp cho rằng có thể có 2 yếu tố tác động đến việc nó nhẹ như kẹo dẻo.
Thứ nhất, khối khí khổng lồ hình thành với một lõi đá, xung quanh đó khí tích tụ để tạo thành một bầu khí quyển dày và mở rộng. Vì sao lùn đỏ này chứa ít nguyên tố nặng so với các sao lùn đỏ khác, lõi đá hình thành chậm hơn một chút, điều này sẽ làm trì hoãn quá trình tích tụ khí và ảnh hưởng đến mật độ của thế giới.
Thứ hai, quỹ đạo dường như hơi hình bầu dục, có nghĩa là khoảng cách của nó với ngôi sao thay đổi. Có lẽ khi nó đến gần hơn, bầu không khí nóng lên và bị phồng ra.
Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ tìm thấy thêm nhiều thế giới marshmallow khác như vậy ngoài kia, để giúp tìm ra cách chúng hình thành và tồn tại ở một nơi mà lẽ ra chúng không thể xuất hiện.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học The Astronomical Journal.