Trong thời đại số, việc chụp ảnh màn hình (screenshot) đã trở thành một thói quen tiện lợi của hầu hết người dùng smartphone. Tuy nhiên, sự tiện lợi này đang ẩn chứa những rủi ro bảo mật khổng lồ mà nhiều người không hề hay biết. Các chuyên gia an ninh mạng cảnh báo, thư viện ảnh của bạn có thể đang biến thành một "mỏ vàng" cho hacker chỉ vì những tấm ảnh tưởng chừng vô hại.
Hãy dành một phút để kiểm tra ngay điện thoại của mình và xóa bỏ 7 loại ảnh chụp màn hình cực kỳ nguy hiểm dưới đây.
1. Số dư tài khoản ngân hàng
Bạn chụp ảnh số dư để theo dõi tiết kiệm hay xác nhận giao dịch? Tấm ảnh này có thể vô tình chứa một phần số tài khoản, các giao dịch gần đây, đủ để kẻ xấu mạo danh ngân hàng và thực hiện các cuộc tấn công lừa đảo (phishing) tinh vi. Vì thế, hãy sử dụng tính năng xuất sao kê của ứng dụng ngân hàng. Nếu phải chụp, hãy cắt bỏ thông tin nhạy cảm và xóa ngay sau khi sử dụng.

Tuyệt đối không nên lưu các thông tin số dư ngân hàng vào kho ảnh.
2. Mật khẩu hoặc thông tin đăng nhập
Lưu các ảnh chụp chứa mật khẩu Wi-Fi, mã 2FA, mã khôi phục, các từ khóa bí mật hay danh sách mật khẩu tài khoản là hành động "tự rước họa vào thân". Thư viện ảnh không được mã hóa như các trình quản lý mật khẩu chuyên dụng, khiến thông tin đăng nhập của bạn có thể bị lộ chỉ qua một lỗ hổng ứng dụng hoặc khi điện thoại rơi vào tay người khác.
3. Giấy tờ tùy thân và giấy tờ du lịch
Ảnh chụp hộ chiếu, CCCD, giấy phép lái xe, visa chứa toàn bộ thông tin định danh của bạn. Nếu bị rò rỉ, hacker sẽ có trong tay một bộ hồ sơ đầy đủ để thực hiện các hành vi trộm cắp danh tính. Tương tự, mã QR trên vé máy bay có thể bị quét để xem, thậm chí là sửa đổi hoặc hủy đặt chỗ của bạn.
Lưu trữ trong các ứng dụng ví điện tử được mã hóa (ví Apple, ví Google) hoặc các thư mục bảo mật yêu cầu mật khẩu/vân tay.
Giấy tờ cá nhân nên tránh chụp màn hình để trong kho hình ảnh.
4. Các cuộc trò chuyện riêng tư
Một tấm ảnh chụp màn hình cuộc trò chuyện có thể vô tình làm lộ số điện thoại, email, và những thông tin cá nhân của cả bạn và người đối diện. Chúng có thể bị cắt xén ngữ cảnh, diễn giải sai hoặc dùng để tống tiền, lừa đảo.
Lưu ý là chỉ nên sao chép phần văn bản quan trọng vào một ứng dụng ghi chú bảo mật thay vì chụp toàn bộ màn hình.
Không nên chụp màn hình các cuộc trò chuyện riêng tư.
5. Hồ sơ y tế hoặc kết quả xét nghiệm
Thông tin sức khỏe là cực kỳ nhạy cảm. Ảnh chụp đơn thuốc, kết quả xét nghiệm có thể phơi bày tình trạng sức khỏe, thông tin bảo hiểm, tên bác sĩ... tạo cơ hội cho các hành vi lừa đảo, phân biệt đối xử hoặc tống tiền.
Giải pháp an toàn là hãy truy cập thông tin qua các ứng dụng chính thức, có bảo mật của các cơ sở y tế.
6. Xác nhận mua sắm hoặc vé điện tử
Mã QR trên vé xem phim, vé sự kiện có thể bị người khác sử dụng trước cả bạn. Kẻ xấu thậm chí còn có thể bán lại ảnh chụp vé điện tử của bạn trên mạng. Hãy thêm vé vào ứng dụng ví điện tử của điện thoại. Với các sự kiện quan trọng hoặc ở nơi sóng yếu, hãy in thành một bản cứng.
7. Tài liệu công việc
Đây là một trong những loại ảnh nguy hiểm nhất. Ảnh chụp màn hình tài liệu công việc có thể làm rò rỉ dữ liệu khách hàng, chi tiết dự án, vi phạm thỏa thuận bảo mật (NDA) và khiến bạn gặp rắc rối lớn với công ty.
Lời kết
Ảnh chụp màn hình rất tiện lợi, nhưng đi kèm với đó là trách nhiệm. Nếu bạn không muốn một thông tin nào đó bị chiếu lên máy chiếu cho cả phòng xem, thì nó không nên tồn tại trong thư viện ảnh. Hãy tạo thói quen dọn dẹp thư mục ảnh chụp màn hình hàng tháng để bảo vệ chính mình và những người xung quanh.