Viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM (HIDS) vừa hoàn thiện dự thảo cuối cùng của đề án "Chuyển đổi xe 2 bánh từ xe xăng sang xe điện cho tài xế công nghệ và giao hàng tại TP.HCM". Đây là một phần trong đề án kiểm soát khí thải chung của TP.HCM do Sở Xây dựng chủ trì.

Tỷ suất di chuyển mỗi ngày của lực lượng xe 2 bánh kinh doanh dịch vụ cực cao, là một trong những đối tượng xả thải nhiều nhất
ẢNH: VŨ PHƯỢNG
Đến 2029, chuyển đổi 400.000 xe máy sang xe điện
Theo Viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM, đề án được xây dựng với mục tiêu là chuyển đổi toàn bộ số lượng phương tiện 2 bánh từ xăng sang điện cho tất cả các tài xế công nghệ và nhân viên giao hàng, nhằm đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, bụi, xây dựng TP.HCM trong tương lai phát triển xanh, bền vững. Đến năm 2029 (thời điểm kết thúc triển khai đề án), thành phố sẽ đặt mục tiêu giảm 100% lượng khí thải gây ô nhiễm và khí nhà kính từ nhóm phương tiện này.
Để hiện thực hóa mục tiêu tổng quát trên, các chuyên gia của Viện đề xuất bốn giai đoạn với các mục tiêu định lượng và gắn với lộ trình thời gian cụ thể. Theo đó, giai đoạn 1 (từ nay đến tháng 12.2026) sẽ đạt 30% - tương đương khoảng 120.000 xe được chuyển đổi. Giai đoạn 2 (đến tháng 12.2027) đạt 50% - tương đương khoảng 200.000 xe. Tiếp theo là giai đoạn 3 (đến tháng 12.2028) sẽ chuyển đổi khoảng 320.000 xe, đạt 80% và tới tháng 12.2029 là thời điểm kết thúc giai đoạn 4 - hoàn thành chuyển đổi 400.000 phương tiện, đạt 100%.
Thạc sĩ Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Kinh tế (thuộc HIDS) cho biết: việc chuyển đổi 400.000 xe hai bánh của tài xế công nghệ sang xe điện là bước đi mang tính chiến lược, tác động sâu rộng đến nhiều khía cạnh như nhân lực, chuỗi cung ứng và hạ tầng đô thị. Do đó, cần một hành lang pháp lý rõ ràng, đủ mạnh để đảm bảo trách nhiệm và phối hợp đồng bộ giữa chính quyền, doanh nghiệp vận tải công nghệ, nhà sản xuất cũng như đội ngũ tài xế.
Do đó, lộ trình chuyển đổi được chia thành các mốc kỹ thuật bắt buộc, có giải pháp khuyến khích rõ ràng tạo đệm chính sách để vừa bảo vệ quyền lợi tài chính tài xế (thu đổi xe cũ, cho vay xe mới), đồng thời thúc đẩy đầu tư hạ tầng sạc.
HIDS đề xuất từ tháng 1.2026 bắt đầu áp dụng những chính sách ưu đãi đồng thời ngừng cho phép đăng ký mới phù hiệu (ngừng ký hợp đồng mới) đối với tài xế xe máy xăng có nhu cầu tham gia cung cấp dịch vụ trên các nền tảng gọi xe công nghệ. Các tài xế sử dụng xe xăng đăng ký và được chấp nhận trước thời điểm này vẫn hoạt động bình thường và cần có kế hoạch chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện.
Từ tháng 1.2027, hạn chế xe xăng hoạt động trong giờ cao điểm tại các vùng phát thải thấp được thành phố quy định. Từ tháng 1.2028, siết chặt chính sách kiểm soát khí thải theo quy định. Từ tháng 12.2029 sẽ cấm hoàn toàn xe xăng tham gia cung cấp dịch vụ trên các nền tảng gọi xe công nghệ. Song song, thành phố sẽ triển khai vùng phát thải thấp. HIDS và Sở Xây dựng đã thống nhất chọn Cần Giờ và Côn Đảo là địa bàn bị cô lập, dễ áp dụng chính sách để triển khai trước. Tất cả phương tiện chạy xăng sẽ không được phép hoạt động trong các vùng này sau 1.2028.
Để triển khai đề án, thành phố sẽ trao quyền cho UBND cấp cơ sở tạm thời mở "làn xanh" chỉ dành cho xe điện nếu tỷ lệ điện hóa giao thông trên địa bàn cao hơn 70% sau mỗi năm báo cáo, hoặc trao quyền cho HĐND cấp cơ sở ban hành nghị quyết phủ xanh giao thông toàn địa bàn nếu tỷ lệ điện hóa giao thông trên địa bàn cao hơn 90% sau mỗi năm báo cáo để tạo thêm áp lực tuân thủ.
Theo đề án, từ 2026, hợp đồng mới của các doanh nghiệp vận tải công nghệ chỉ áp dụng với xe điện. Thành phố vận động các doanh nghiệp vận tải tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi, không bắt buộc tham gia tất cả các giải pháp dành cho doanh nghiệp vận tải công nghệ nhưng yêu cầu thực hiện bắt buộc các cam kết mà doanh nghiệp đã công bố.

Nếu đề án được duyệt, từ đầu năm 2026, chỉ tài xế sử dụng xe điện mới được đăng ký mới với các ứng dụng chạy xe công nghệ
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Hỗ trợ trực tiếp vào 'túi tiền' của tài xế
Theo tính toán, nếu TP thay thế toàn bộ khoảng 400.000 xe máy xăng của các tài xế bằng xe máy điện, lượng khí CO2 có thể giảm tới 750 tấn trong vòng 5 năm, đồng thời giảm đáng kể NOx và bụi mịn PM2.5, góp phần cải thiện chất lượng không khí đô thị. Một xe điện 2 bánh chỉ tiêu tốn từ 3.000 - 5.000 đồng cho mỗi lần sạc, đủ cung cấp năng lượng di chuyển từ 50 - 80 km, thấp hơn đáng kể so với chi phí xăng dầu. Ngoài ra, cấu trúc đơn giản của xe điện giúp giảm chi phí bảo trì so với xe xăng, mang lại lợi ích kinh tế lâu dài.
Tuy nhiên, với chi phí đầu tư ban đầu cao, hạ tầng trạm sạc còn thiếu đồng bộ và thời gian sạc dài hơn so với đổ xăng vẫn là thách thức lớn cho các tài xế, đòi hỏi các giải pháp chính sách và công nghệ để tăng tốc chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh.
HIDS đề xuất TP.HCM triển khai đồng loạt nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực như: Miễn 100% phí trước bạ, phí đăng ký biển số và thuế giá trị gia tăng cho xe điện 2 bánh do tài xế công nghệ khi mua mới trong suốt giai đoạn triển khai đề án từ tháng 1.2026 đến tháng 12.2029; cung cấp khoản vay hỗ trợ mua xe và pin dự phòng với thời hạn vay linh hoạt từ 24 tháng đến 30 tháng, lãi suất ưu đãi thấp hơn mặt bằng thị trường thông qua các ngân hàng thương mại hợp tác, các tổ chức tín dụng vi mô. Đi cùng với đó là quy trình xét duyệt vay đơn giản và được số hóa, thực hiện nhanh chóng, có cơ chế bảo lãnh nhằm giảm thiểu thời gian xử lý rủi ro tín dụng cho bên cho vay.
Chính quyền hoặc hội đoàn, nghiệp đoàn tài xế công nghệ bảo lãnh tín dụng. Sản phẩm tín dụng bổ sung các giải pháp giảm thiểu rủi ro tín dụng vi mô, trích nợ tự động hàng ngày, hàng tuần qua tài khoản liên thông tài xế - ngân hàng hoặc qua ứng dụng của doanh nghiệp vận tải công nghệ. Chiết khấu giảm giá hỗ trợ từ doanh nghiệp, trừ vào hóa đơn mua xe hoặc mua pin thứ hai; Chính sách bảo hành và bảo hiểm pin và bảo hiểm thu nhập chuyên biệt giúp giảm thiểu rủi ro tài chính.
Sau khi đã cân bằng cả chi phí vận hành và chi phí khấu hao của hai loại xe, HIDS tính toán tài xế sẽ tiết kiệm được từ 300.000 đồng - 400.000 đồng hàng tháng nhờ chuyển sang xe điện. Sau một năm, khoản tiết kiệm này có thể lên đến gần 5 triệu. Thêm vào đó, công nghệ pin lithium-ion hiện nay đang phát triển một cách nhanh chóng. Nhờ vậy, dung lượng pin và tuổi thọ pin đang không ngừng được cải thiện. Vì thế, trong tương lai lâu dài, người sử dụng xe nói chung và tài xế công nghệ nói riêng sẽ được hưởng lợi về mặt kinh tế, thậm chí có thể hoàn vốn mua xe điện sau vài năm.
Đơn vị nghiên cứu đề xuất cung cấp gói vay vi mô "Xe điện xanh" cho các tài xế và tiếp tục triển khai mở rộng chương trình đổi xe xăng sang xe điện. Tài xế thu nhập thấp sẽ được hỗ trợ voucher và được giảm thêm điểm % lãi suất vay... Các chính sách hỗ trợ sẽ theo nguyên tắc "chuyển đổi sớm, hưởng lợi nhiều". Thành phố cũng dự kiến chi ngân sách để hỗ trợ chuyển đổi cho hàng chục nghìn xe thuộc nhóm tài xế khó khăn và cận nghèo.
Ngoài chính sách công, các doanh nghiệp cung cấp nền tảng công nghệ được vận động cùng tham gia dưới hình thức: Quảng bá lợi ích xe điện, tặng điểm thưởng cho tài xế sử dụng phương tiện điện, đồng thời khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn dịch vụ thân thiện môi trường. Đơn cử, mỗi chuyến xe điện có thể được cộng thưởng 500 - 1.000 đồng, giúp tài xế cải thiện thu nhập và đồng hành cùng chương trình chuyển đổi.
Tài xế ngoại tỉnh hoạt động trên địa bàn TP.HCM được hưởng các chính sách như tài xế tại TP.HCM, đồng thời tuân thủ quy định áp dụng tại thành phố.