Dùng trí tuệ nhân tạo duy trì ý thức người tham gia giao thông
Rạng sáng 17.7, Trung tâm thông tin chỉ huy của Cục CSGT (Bộ Công an) vẫn sáng đèn, các cán bộ, chiến sĩ CSGT đang miệt mài vận hành hệ thống công nghệ hiện đại, kết hợp với ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong vận hành giao thông và phát hiện, xử lý vi phạm.
Từ trung tâm chỉ huy, hình ảnh, thông tin được hệ thống camera trên đường, trên xe tuần tra của lực lượng CSGT khắp cả nước truyền về. Mọi dữ liệu từ tình hình giao thông, vi phạm giao thông, kết quả bắn tốc độ, kết quả đo nồng độ cồn... đều được truyền về trung tâm này.



Lực lượng CSGT chia ca trực để đảm bảo trung tâm được vận hành 24/24
ẢNH: TUẤN MINH
Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình, Cục trưởng Cục CSGT, cho hay đây mới chỉ là trung tâm quản trị cấp 1 của Cục CSGT nhưng đã có những công nghệ hiện đại kết hợp với AI.
Theo Cục trưởng Cục CSGT, trong giai đoạn 1, Trung tâm thông tin chỉ huy sẽ vừa chạy vừa hiệu chỉnh ổn định, tìm ra những kinh nghiệm. Trong giai đoạn 2, Cục CSGT sẽ lắp đặt dày hơn các camera trên cao tốc, sao cho ổn định, sắc nét và thông minh.
Cục trưởng Cục CSGT chia sẻ, với hệ thống camera AI, lực lượng CSGT không cần ra đường chặn bắt xe vi phạm đối với rất nhiều hành vi, việc phát hiện hành vi vi phạm được thực hiện tự động.

Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình, Cục trưởng Cục CSGT, kỳ vọng người dân sẽ có ý thức, văn hóa giao thông và duy trì sự chấp hành
ẢNH: TUẤN MINH
Mục tiêu dùng trí tuệ nhân tạo không phải cốt lõi để phát hiện và xử lý vi phạm, mà Cục trưởng Cục CSGT kỳ vọng để hình thành ý thức, văn hóa giao thông và duy trì sự chấp hành của người dân.
"Nếu trước kia chúng ta duy trì bằng con người, tức là cán bộ chiến sĩ phải xuất hiện, thì tới đây sẽ duy trì bằng công nghệ, hoạt động 24/24 giờ, công bằng và khách quan", thiếu tướng Bình nêu quan điểm.
CSGT không cần ra đường, tuần tra trên môi trường điện tử
Giới thiệu thêm, đại tá Phạm Quang Huy, Cục phó Cục CSGT, cho biết trung tâm này sẽ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông, bao gồm cả việc kết nối dữ liệu đăng ký xe, đăng kiểm, thuế, hải quan, y tế và dữ liệu các cục nghiệp vụ khác của Bộ Công an liên quan đến con người và phương tiện.




Đại tá Phạm Quang Huy giới thiệu những tính năng nổi bật của hệ thống camera AI
ẢNH: TUẤN MINH
Về quy mô, đại tá Huy cho hay đây sẽ là trung tâm tổng, kết nối các trung tâm nhỏ từ các địa phương, gồm dữ liệu từ tất cả thiết bị nghiệp vụ của toàn lực lượng CSGT.
Dữ liệu từ các thiết bị sau khi đưa về trung tâm sẽ được hệ thống AI phân tích để nhận diện hành vi, sau đó tự động chuyển sang file quản lý. Lực lượng CSGT trên cơ sở đó sẽ chuyển thông tin vi phạm nhanh nhất tới chủ xe thông qua ứng dụng VNeTraffic.
Đối với camera AI, sau khi ghi nhận xe vi phạm, hệ thống sẽ lập tức trích xuất được ảnh/clip liên quan. Nội dung bao gồm tuyến đường, thời gian vi phạm, hành vi…. Trên cơ sở dữ liệu đăng ký xe sẽ nhận diện được ngay chủ xe này là ai. Hiện AI đã có thể nhận diện được khoảng 20 hành vi vi phạm và đang liên tục được phát triển thêm, gồm cả ô tô và xe máy.



Đại tá Huy giới thiệu về thiết bị xử lý vi phạm hiện đại và việc gửi thông báo qua VNeID cho người vi phạm
ẢNH: TUẤN MINH
Khi phát hiện vi phạm, từ phần mềm xử lý vi phạm qua ứng dụng CSGT (dành cho CSGT) và VNeTraffic (dành cho người dân), trong vòng 2 tiếng chủ phương tiện nhận được thông báo.
"Cảnh sát từ đây có thể coi như tuần tra trên môi trường điện tử. Trọng tâm là đảm bảo an ninh an toàn sức khỏe, tính mạng, tài sản của nhân dân lên trên hết, trước hết", đại tá Phạm Quang Huy nói.
Vẽ đường đi, tự động phát hiện tội phạm
Ngoài giám sát hành vi vi phạm, trung tâm còn quản trị toàn bộ lực lượng CSGT trong quá trình tuần tra kiểm soát. Thông qua hệ thống bản đồ số, có thể xem các nơi có các cán bộ, chiến sĩ làm việc. Khi thao tác vào một vị trí cụ thể có thể theo dõi được tên, số hiệu, số điện thoại của cán bộ đang làm việc ở vị trí đó.

Tính năng theo dõi những đối tượng trong danh sách đen, mọi hình ảnh, hành vi sẽ được lưu lại nếu hệ thống camera AI ghi lại được
ẢNH: TUẤN MINH
Đồng thời, trung tâm còn kiểm soát toàn bộ xe tuần tra của CSGT, trong đó có các trường thông tin về số lượng xe đang hoạt động, đang dừng đỗ để xử lý vi phạm, đang ở đơn vị; tổ công tác này của đơn vị nào, có bao nhiêu người, được trang bị những công cụ gì và đang làm chuyên đề gì trên tuyến đường nào…
"Từ đây có thể điều phối trong trường hợp có vụ việc khẩn cấp cần được giải quyết nhanh nhất", Đại tá Phạm Quang Huy cung cấp thông tin rõ hơn.



Trung tâm dữ liệu khổng lồ được coi là "bộ não" vận hành và lưu trữ hệ thống
ẢNH: TRẦN CƯỜNG
Một nhiệm vụ khác của trung tâm là hỗ trợ điều tra giải quyết tai nạn giao thông.
Đại tá Phạm Quang Huy lấy ví dụ về một trường hợp gây tai nạn bỏ chạy, từ thông tin đặc điểm phương tiện của nhân chứng, trung tâm sẽ lọc được trên tuyến đường đó, trong khoảng thời gian này có bao nhiêu ô tô nghi vấn chạy qua. Và chiếc xe gần nhất với thời gian xảy ra vụ việc sẽ được đưa vào phân tích, đánh giá và tìm ra toàn bộ lộ trình xe này đã đi qua, phục vụ công tác tìm kiếm và điều tra.



Trung tâm chỉ huy thông tin Cục CSGT - nơi đèn không bao giờ tắt
ẢNH: TUẤN MINH
Ngoài ra, trung tâm còn tự động phát hiện các hành vi làm mất an ninh trật tự, gây rối trật tự công cộng như giơ dao, cầm gậy, giáo mác… hay tụ tập đông người, nhận diện khuôn mặt các đối tượng truy nã.
Đại tá Huy cho hay, toàn bộ công tác điều phối, phân tích, ghi nhận và xử lý của trung tâm hoàn toàn tự động hóa.