Nếu được thông qua, một trong những nguồn phát thải lớn nhất sẽ chính thức được kiểm soát chặt chẽ từ 2027.
TP.HCM và Hà Nội sẽ siết sớm hơn, mạnh hơn
Dự thảo nêu rõ thời điểm bắt đầu thực hiện kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành bắt đầu từ 1.1.2027 trên địa bàn 2 TP trực thuộc T.Ư là Hà Nội và TP.HCM. Từ ngày 1.1.2028 mở rộng áp dụng tại 4 TP trực thuộc T.Ư còn lại gồm: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Huế. Sau đó 2 năm, từ ngày 1.1.2030 sẽ triển khai đại trà tại tất cả địa phương còn lại. Tùy theo tình hình thực tế, các tỉnh, TP này có thể quy định áp dụng thời hạn sớm hơn.
Theo đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, 2 thông số kiểm định dự kiến là Cacbon Monoxit (CO) và Hydrocacbon (HC), được chia làm 4 mức tương đương độ "siết" quy chuẩn khí thải và được phân loại tùy theo độ tuổi của phương tiện. Đơn cử, mô tô sản xuất trước năm 2008 và xe gắn máy sản xuất trước năm 2016 sẽ phải áp dụng mức 1. Mô tô sản xuất từ năm 2008 - 2016 và xe gắn máy sản xuất từ năm 2017 đến ngày 30.6.2027 áp dụng mức 2. Mô tô sản xuất từ năm 2017 đến ngày 30.6.2026, áp dụng mức 3, còn sản xuất sau 1.7.2026 sẽ áp dụng mức 4, cùng mức với xe gắn máy sản xuất từ 1.7.2027.

Gần 20 năm sau khi Chính phủ phê duyệt chủ trương kiểm soát khí thải xe máy thì xe máy sắp được “đưa vào khuôn khổ”
ẢNH: NHẬT THỊNH

Gần 20 năm sau khi Chính phủ phê duyệt chủ trương kiểm soát khí thải xe máy thì xe máy sắp được “đưa vào khuôn khổ”
ẢNH: NHẬT THỊNH
Riêng xe mô tô, xe gắn máy lưu hành trên địa bàn TP.HCM và Hà Nội phải đáp ứng quy định về khí thải mức 2 trở lên, tính từ ngày 1.1.2032. Các phương tiện nếu lưu hành vào "vùng phát thải thấp" của TP.Hà Nội sẽ phải tuân thủ quy định về khí thải theo Nghị quyết của HĐND.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhấn mạnh, việc xây dựng lộ trình áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy lưu hành nhằm mục tiêu kiểm soát, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí do khí thải gây ra, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và cải thiện chất lượng môi trường sống. Đồng thời, lộ trình này tạo cơ sở pháp lý để từng bước loại bỏ phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn khí thải, thúc đẩy việc chuyển đổi sang phương tiện sạch, thân thiện với môi trường.
"Việc áp dụng lộ trình cũng nhằm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời hỗ trợ phát triển giao thông đô thị bền vững, hiện đại theo định hướng chiến lược quốc gia. Đây là bước đi cần thiết nhằm tiến tới xây dựng hệ thống giao thông bền vững và phát triển đô thị xanh trong tương lai", lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhấn mạnh.
Đủ thời gian để sẵn sàng mọi nguồn lực
Trước đây, Bộ Giao thông vận tải - nay đã sáp nhập Bộ Xây dựng - cũng đã ban hành các văn bản Thông tư quy định về trình tự thủ tục kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy; Thông tư quy định về trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.
Theo đó, xe mô tô, xe gắn máy có tuổi đời dưới 5 năm được miễn kiểm định khí thải. Xe từ 5 - 12 năm tuổi phải kiểm định hai năm một lần, xe trên 12 năm tuổi phải kiểm định hằng năm. Xe không đạt tiêu chuẩn bắt buộc phải đi khắc phục, sửa chữa. Khi chủ phương tiện đưa xe đi khắc phục, sửa chữa sao cho đạt mức tiêu chuẩn khí thải thì phương tiện cũng sẽ được chăm sóc để đảm bảo cả về an toàn. Giấy chứng nhận kiểm định khí thải sẽ được Cục Đăng kiểm (nay thuộc Bộ Xây dựng) cấp. Thời gian, lộ trình thực hiện kiểm định khí thải mô tô, xe gắn máy sẽ thực hiện theo luật Bảo vệ môi trường.

Hiện nay, ngoài lần đầu đăng ký và cấp biển số, xe máy không chịu bất kỳ hình thức kiểm soát nào dù cũ nát, mất an toàn hay gây ô nhiễm
ẢNH: NHẬT THỊNH

Hiện nay, ngoài lần đầu đăng ký và cấp biển số, xe máy không chịu bất kỳ hình thức kiểm soát nào dù cũ nát, mất an toàn hay gây ô nhiễm
ẢNH: NHẬT THỊNH
Trả lời Thanh Niên, lãnh đạo Cục Đăng kiểm cho biết cơ quan chức năng xác định khi thực hiện lộ trình sẽ phát sinh nhu cầu rất lớn, có thể dẫn đến ùn tắc phương tiện đến kiểm định khí thải, do số lượng cơ sở kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy không đáp ứng được nhu cầu. Vì thế, những văn bản hướng dẫn, quy định đối tượng mà Bộ ban hành nhằm khởi động những bước chuẩn bị kỹ lưỡng, sẵn sàng cho việc thực hiện kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy thuận tiện nhất cho người dân khi chính thức áp dụng theo lộ trình từ luật Bảo vệ môi trường.
Thời gian qua, Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường và Cục Đăng kiểm đã nghiên cứu, rà soát kỹ từ kinh nghiệm một số nước trong khu vực, phối hợp cùng Hiệp hội Các nhà sản xuất, nhập khẩu xe máy VN (VAMM) để tính toán, đề xuất sử dụng các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe mô tô, xe gắn máy của các đại lý bán xe thuộc Hiệp hội VAMM và các cơ sở xã hội hóa tham gia thực hiện kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy, bên cạnh sử dụng các cơ sở đăng kiểm xe cơ giới đang sẵn có.
Cụ thể, đến thời điểm hiện tại, trên cả nước sẽ có khoảng 3.000 cơ sở đảm bảo cho việc triển khai thực hiện kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy. Ngoài ra, Thông tư 47 quy định, đối với xe mô tô, xe gắn máy có thời gian sử dụng đến 5 năm, Cục Đăng kiểm thực hiện cấp giấy chứng nhận kiểm định khí thải trên phần mềm quản lý kiểm định, chủ xe không phải nộp hồ sơ kiểm định khí thải và không phải mang xe đến cơ sở đăng kiểm để kiểm định khí thải. Điều này góp phần giảm số lượng, giảm ùn tắc tại các cơ sở kiểm định khí thải trong giai đoạn đầu thực hiện việc kiểm định khí thải.
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch VN - nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, đánh giá lộ trình mà Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất là phù hợp với tình hình thực tế tại VN. Xe máy chiếm tỷ lệ lớn, mức độ tăng trưởng nhanh và gắn với các đối tượng lao động thu nhập trung bình - thấp nên các chính sách sẽ có mức độ tác động nhạy cảm. Người dân e ngại giá cả, e ngại thủ tục phức tạp, lo tốn thời gian khi so sánh với việc kiểm định ô tô. Vì thế, cần có thời gian để tất cả các cơ quan chuyên môn chuẩn bị kỹ lưỡng từ biện pháp nhận diện thế nào, kiểm soát ra sao, dán tem, dán nhãn xe kiểm định; đầu tư trang thiết bị, tích hợp dữ liệu, thiết bị đo quan trắc chất lượng môi trường trước và sau khi triển khai chính sách mới cho tới việc xây dựng biện pháp chế tài xử phạt khi xe vi phạm… Cùng với đó, người dân cũng phải được chuẩn bị tâm lý, tìm hiểu và trang bị đầy đủ kiến thức về thủ tục đăng kiểm, đối tượng đăng kiểm…
"Thực tế, việc kiểm soát khí thải xe máy đã được đề cập từ rất nhiều năm trước và đã được thí điểm tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng. Đây cũng được coi là bước đệm để các địa phương lấy số liệu, chuẩn bị cơ sở, thiết bị, xây dựng phương án và mức chi phí… Do đó, giai đoạn đầu triển khai tại các địa phương này sẽ rất thuận lợi. Những tỉnh, thành khác cũng sẽ có thời gian để nghiên cứu bài học đi trước, rút kinh nghiệm để áp dụng phù hợp với địa phương, nhưng vẫn có thể xin áp dụng sớm nếu nhận thấy nhu cầu cấp bách và đã chuẩn bị sẵn sàng", TS Hoàng Dương Tùng nhận xét.
Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý trên cả nước đang tiến hành sáp nhập các tỉnh, thành nên sắp tới, phạm vi về mặt địa lý hành chính sẽ có nhiều thay đổi. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần quy định rõ hơn về việc phân vùng kiểm định, kiểm soát, đơn cử thay vì nói chung chung TP.HCM và Hà Nội, cần nêu rõ vùng nội thành gồm những khu vực nào.
Thực hiện đồng bộ với xanh hóa giao thông
Kết quả nghiên cứu của Viện Môi trường - Tài nguyên, ĐH Quốc gia TP.HCM, xe máy chiếm khoảng 29% nguồn phát thải NO, 90% CO, 65,4% NMVOC; 37,7% nguồn phát thải bụi; 31% nguồn phát thải bụi siêu mịn. Nếu thực hiện kiểm soát khí thải xe máy như đề án TP.HCM đã nghiên cứu trước đây thì mức giảm sẽ là 56.403 tấn CO/năm (13,1%) và 4.808 tấn HC/năm (13,8%), tương đương giảm tới 30% tình trạng ô nhiễm không khí.


Th.S Đinh Trọng Khang, Phó giám đốc Viện chuyên ngành Môi trường - Viện Khoa học công nghệ GTVT, chỉ rõ: nguyên nhân phát thải lớn từ xe máy ở nước ta là do việc kiểm soát khí thải xe sản xuất mới, nhập khẩu chỉ bắt đầu được thực hiện từ 2007 tương đương tiêu chuẩn Euro 2, chậm sau các nước trong khu vực từ 15 - 20 năm. Do đó, phần lớn xe máy được đưa vào sử dụng từ trước tới nay ở nước ta có kết cấu, công nghệ lạc hậu với chủ yếu là sử dụng bộ chế hòa khí và thiếu các hệ thống kiểm soát, xử lý khí thải trên xe như hệ thống phun không khí thứ cấp, hệ thống phun xăng điện tử, hệ thống thu giữ hơi xăng, bộ chuyển đổi xúc tác… Quan trọng hơn là xe máy đang lưu hành ngoài việc phải đăng ký thì không chịu sự kiểm soát nào nên không được bảo dưỡng định kỳ, sửa chữa tốt trong sử dụng.
Mặt khác, bảo dưỡng, sửa chữa có tác dụng lớn làm giảm phát thải lượng phát thải, tăng tuổi thọ và hiệu quả sử dụng trong khi chi phí cho bảo dưỡng không cao và được bù lại do tiết kiệm tiêu hao nhiên liệu. Tuy vậy, hiện nay việc bảo dưỡng, sửa chữa không gắn liền với kiểm tra khí thải để có những điều chỉnh cần thiết. Người dân cũng không thực sự biết họ đang sử dụng xe máy có gây ô nhiễm hay không, người thợ sửa chữa cũng không biết chính xác việc sửa chữa đem lại hiệu quả đến đâu mà chỉ dựa vào kinh nghiệm.
"Khi thực hiện kiểm soát khí thải, áp dụng các quy định pháp lý thì chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng. Người dân có thể phải mất thêm thời gian, thêm thủ tục, chi phí. Ở các quốc gia khác, thời gian đầu khi thực thi chính sách này cũng vấp phải phản ứng của dư luận. Tuy nhiên, lợi ích về mặt môi trường và đặc biệt là sức khỏe của người dân mà chính sách này mang lại là quan trọng nhất. Ngoài ra, thực hiện kiểm soát khí thải xe máy còn giúp giảm tiêu thụ nhiên liệu, giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết của Chính phủ với các tổ chức quốc tế", Th.S Đinh Trọng Khang phân tích.
Đồng quan điểm, TS Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh việc kiểm soát khí thải từ phương tiện mô tô, xe gắn máy cần được thông qua và triển khai áp dụng càng sớm càng tốt. Song, để đạt được những cam kết về môi trường, Chính phủ cần áp dụng đồng bộ với các biện pháp khác như thúc đẩy giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân, chuyển đổi giao thông xanh. Hiện nay, TP.HCM và Hà Nội đã có đầy đủ mạng lưới đường sắt đô thị, xe buýt điện, taxi điện, xe đạp công cộng. Cả 2 TP đều đã lên lộ trình chuyển đổi hệ thống xe buýt sử dụng động cơ đốt trong sang sử dụng nhiên liệu sạch; thiết lập vùng phát thải thấp… Đó là những cố gắng rất đáng ghi nhận về mặt chiến lược.
Cùng với đó, người dân cũng ngày càng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tăng tỷ lệ chuyển đổi phương tiện cá nhân từ chạy xe xăng sang dùng xe điện. Đặc biệt, rất nhiều DN đã nỗ lực đóng góp trực tiếp vào công cuộc chuyển đổi xanh của đất nước, như việc sản xuất nhiều loại hình phương tiện sử dụng năng lượng điện, từ xe máy đến taxi, xe buýt hay mới nhất là Vingroup còn ra mắt dòng xe vận tải nhỏ… đáp ứng mọi nhu cầu di chuyển của xã hội.
Nhà nước cần có thêm chính sách hỗ trợ người dân, hỗ trợ DN trong công cuộc chuyển đổi giao thông xanh. Đồng thời, tăng cường chỉnh trang vỉa hè để người dân có không gian đi bộ, phát triển loại hình xe đạp công cộng, chú trọng hệ thống kết nối giữa các loại phương tiện giao thông. Tất cả phải được tiến hành đồng bộ cùng bước chuẩn bị cho việc áp dụng kiểm soát khí thải phương tiện.
TS Hoàng Dương Tùng
Theo đơn vị xây dựng đề án "Thí điểm kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn TP.HCM", với chi phí đầu tư một trạm kiểm định (1 thiết bị đo khí thải) được tính toán khoảng 354,4 triệu đồng cho một năm, giá dịch vụ kiểm định khí thải được tính toán để thu hồi vốn khi cộng thêm 10% thuế giá trị gia tăng (VAT) là 32.500 đồng. Chi phí cấp giấy chứng nhận, dán tem là 1.000 đồng/xe (bao gồm việc tạo phôi, in ấn, quản lý...). Như vậy, với các giả thiết có lợi nhất thì giá dịch vụ kiểm định khí thải cho một xe máy là 33.500 đồng.
Thực tế, quá trình kiểm định khí thải tại các trạm sẽ không diễn ra liên tục, do đó năng suất kiểm định chỉ dự kiến bằng 70% năng suất tối đa, khi đó giá kiểm định tính toán là 50.000 đồng/xe/lần kiểm định. Tính ra, người dân chỉ phải trả khoảng 1.000 đồng/tuần/xe.