Chia sẻ tại Data Talk | The Catalyst ngày 13/5, ông Lê Hoài Ân, CFA, Chuyên gia nghiên cứu chiến lược ngân hàng, cho biết Công ty Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) đang đứng trước một bước ngoặt quan trọng với kế hoạch IPO dự kiến diễn ra vào cuối năm nay, nếu điều kiện thị trường thuận lợi.

Ông Lê Hoài Ân, CFA, Chuyên gia nghiên cứu chiến lược ngân hàng. (Ảnh: Minh Nguyệt).
Chú "Pokémon” lợi hại của TCBS
Dẫn lại hình ảnh ẩn dụ thú vị từ ông Ân, bên cạnh kết quả kinh doanh, TCBS đang sở hữu một “con Pokémon rất lợi hại”.
Năm 2021, công ty này đặt ra chiến lược "5 con số 5", bao gồm 5 triệu người dùng, 5 giải pháp cho mỗi người dùng, 5.000 tỷ đồng lợi nhuận và 5 tỷ USD vốn hóa.
Trong các mục tiêu đó, lợi nhuận 5.000 tỷ đồng vào cuối năm 2025 hiện đang trong tầm tay. Theo ông Ân, với mức lợi nhuận năm 2024 đã đạt gần 4.000 tỷ đồng, TCBS hoàn toàn có thể đạt mốc 5.000 tỷ nếu duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận khoảng 20% mỗi năm.
Về số lượng người dùng, hiện nền tảng của TCBS ghi nhận hơn 1 triệu tài khoản – một con số khiêm tốn so với mục tiêu 5 triệu. Sự chậm lại này phần nào chịu ảnh hưởng từ những biến động liên quan đến thị trường trái phiếu thời gian qua.
Tuy nhiên, TCBS được đánh giá là đang triển khai tốt về mặt sản phẩm từ quản lý tài sản (iWealth), giải pháp tự động hưởng lãi (auto earning), cho đến các dịch vụ đầu tư đa dạng – tất cả đều tích hợp trên ứng dụng số, kết nối liền mạch với hệ sinh thái Techcombank.

Nguồn: WiData.
Tham vọng vốn hóa 5 tỷ USD: Thách thức lớn
Đặt trong bối cảnh hiện tại, mục tiêu đạt vốn hóa 5 tỷ USD sẽ là một bài toán lớn. Theo ông Ân, mức vốn hóa này ngầm định mức định giá khoảng 5 lần giá trị sổ sách (P/B). Đây là mức cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của các công ty chứng khoán hàng đầu hiện nay như SSI, VND, HSC hay MBS – thường dao động từ 1 đến 2 lần P/B.
Tuy nhiên, TCBS sở hữu một số yếu tố có thể biện minh cho mức định giá cao hơn trung bình ngành. Đầu tiên là thị phần tăng trưởng ổn định, ngay cả trong bối cảnh thị trường biến động – chủ yếu nhờ vào chiến lược phát triển dựa trên công nghệ và không phụ thuộc vào đội ngũ môi giới truyền thống.
Thứ hai là hiệu quả sử dụng chi phí tốt. TCBS không gánh chi phí cố định lớn như mặt bằng hay chi phí nhân sự môi giới, nhờ tối ưu hóa các khâu vận hành qua nền tảng số.
Cuối cùng, TCBS có lộ trình đầu tư công nghệ rõ ràng. Theo chia sẻ của ông Ân tại chương trình, cách đây 4-5 năm,TCBS từng triển khai hàng trăm dự án công nghệ mỗi năm, liên tục thử nghiệm và cải tiến. Dự kiến cuối năm nay, TCBS sẽ tung ra một số ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng.
“Tôi cho rằng nếu định giá TCBS ở mức 2 tỷ USD là thấp; 5 tỷ có thể là cao,...nhưng khoảng 3,5 – 4 tỷ USD sẽ là một mức hợp lý và đáng cân nhắc,” ông Ân nhấn mạnh.

Nguồn: WiData.
Trước đó, chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh cho biết năm ngoái ngân hàng đã có kế hoạch và hiện đã làm việc với hai nhà đầu tư (NĐT) lớn, có thể họ sẽ tham gia trước vào quá trình IPO.
Theo đánh giá của nhà đầu tư là rất khả quan, họ đánh giá rất cao vị thế của Techcombank. Khi thương vụ thành công thì sẽ công bố cho các cổ đông.
Theo ông Hùng Anh, dự kiến thì ngân hàng sẽ IPO TCBS trong năm nay, vào cuối năm, tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thị trường tài chính, thuế quan đối ứng, thị trường chứng khoán.
"HĐQT đã thuê các nhà tư vấn và đưa ra các kịch bản khác nhau về vấn đề này. Một điểm cũng lưu ý là khi phát hành equity lớn thì chúng ta sẽ thu được tiền lớn, khi đó sẽ sử dụng như thế nào. Chúng ta sẽ chịu áp lực khi nhận tiền và duy trì được tỷ lệ ROE cao", Chủ tịch cho biết thêm.
Chia sẻ với báo chí khi nói về mục tiêu vốn hoá 20 tỷ USD trong năm 2025, CEO Jens Lottner cho biết bên cạnh tiềm năng của ngân hàng mẹ, TCBS (tổ chức đang đóng góp 10% tổng lợi nhuận của Techcombank Group) nếu như có thể IPO thành công có thể sẽ đạt mức vốn khoảng 2,5 – 3,5 thậm chí 4 tỷ USD.