Tích lũy cả năm: Mua được cây vàng, có tiền sửa nhà cho bố mẹ
Tết đang đến rất gần, việc chuẩn bị tài chính để đón Tết hẳn là nỗi lo của rất nhiều người. Khánh Linh (22 tuổi, Hà Nội), cho biết, mặc dù tình hình tài chính 6 tháng cuối năm có phần nhỉnh hơn đầu năm, nhưng Linh cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tích lũy:
“Trong năm nay, mình đã chuyển việc 2 lần. Khi thay đổi môi trường mới, gần như mọi thứ cũng phải bắt đầu lại: nhận mức lương thử việc, không có phụ cấp, tự đóng bảo hiểm xã hội... Theo đó, mức thu nhập mấy tháng đầu sau khi nhảy việc cần phải chi trả cho nhiều loại chi phí khác, nên dù lương cao, mình vẫn cảm thấy tiết kiệm chưa đủ nhiều. Tổng số tiền mình tích lũy được trong năm nay khoảng hơn 1 cây vàng. Với một người mới ra trường, dù con số còn hạn chế nhưng mình cũng thấy tự hào về bản thân. Những tích lũy đầu tiên bao giờ cũng quan trọng nhất.
Thêm nữa, năm nay thưởng Tết không quá nhiều. Mình không nhận đủ lương thưởng tháng 13, do chưa gắn bó với công ty trên 1 năm. Vậy nên, Tết năm nay, mình dự định trích tiền tiết kiệm để tiêu Tết. Những khoản chi cho Tết cũng hạn chế hơn, không tiêu phung phí".
Khánh Linh (22 tuổi, Hà Nội) - Ảnh NVCC
Làm trong nghề dịch vụ, Trí Lê (25 tuổi, Nghệ An) lại có phần “bội thu” hơn vào dịp cuối năm: “Mình có mở 1 cửa hàng kinh doanh cây cảnh và độ xe ở Hà Nội, đã đi vào hoạt động được gần 2 năm. Vào những dịp cận lễ Tết, doanh thu có thể gấp 3-4 lần những tháng bình thường. Số đơn hàng được đặt trước vượt ngoài dự tính của mình. Lượng công việc cũng tăng, thậm chí 10-11h đêm vẫn có khách liên hệ để đặt mẫu trước. Đây là thời điểm bận rộn nhất năm, cũng là lúc mình rất vui vì cửa hàng ăn nên làm ra. Thường thì làm trong nghề dịch vụ, hầu như đều sẽ trải qua những khoảng thời gian “mùa vụ”, vào mùa thì bội thu, mất mùa thì lỗ vốn. Nên nếu để nói về tiền tích lũy từng tháng thì rất khó. Đặc biệt là khi tiền kiếm được lại quay ngược đầu tư làm vốn kinh doanh.
Tổng kết tình hình tài chính năm nay, thì mình không có nợ, và đã bắt đầu kiếm được lợi nhuận từ việc kinh doanh. Bên cạnh đó, cũng tậu cho mình được 1 chiếc xe mô tô đúng sở thích. Tết năm nay, do tài chính có phần khấm khá hơn mọi năm, nên mình mạnh dạn chi nhiều tiền hơn. Không chỉ thêm tiền biếu bố mẹ, mà mình còn dự định sửa sang lại nhà cửa một chút. Đây coi như là món quà sau mấy năm cày cuốc vất vả, mình muốn tặng cho gia đình”.
Kiếm bao nhiêu tiền tiêu Tết thì đủ?
Đối với những người trẻ, có lẽ số tiền tiêu Tết không phải là một con số nhất định. Trí Lê (25 tuổi) cho biết, ngoài số tiền có thể tính được cụ thể, thì sẽ còn những khoản tiền phát sinh, không nằm trong dự tính. “Tết mà, tiêu bao nhiêu mà chẳng đủ!”.
Danh sách tiền tiêu Tết của Trí đã được soạn sẵn: Tiền sửa nhà cửa, Trí có dự định làm lại cổng chính và sơn lại nhà; Tiền mua đồ trang trí như cây cảnh, hoa, phụ kiện; Tiền biếu Tết bố mẹ và lì xì đám trẻ con... Ngoài ra, những khoản tiền để sắm sửa khác thì Trí đưa cho mẹ để mẹ phụ trách, vì “mẹ bao giờ cũng lo toan tốt hơn. Việc của mình là kiếm tiền đem về cho mẹ”.
Ngoài những khoản tiền cố định đó, Trí có trích thêm tiền để chi tiêu cho những buổi gặp mặt bạn bè, thăm lại thầy cũ. Đây là khoản tiền không dự toán trước được, nên Trí trích 20% thu nhập với quan điểm “Tiêu hết số tiền này là thôi, nghỉ ăn Tết để đi làm là vừa”. Khi có một con số cụ thể, Trí Lê cũng cho biết thêm: “Với mình, tiền tiêu Tết phụ thuộc vào số tiền kiếm được của năm vừa rồi. Ăn nên làm ra thì mạnh dạn chi tiền đón Tết, coi như ăn mừng 1 năm nỗ lực được đền đáp. Còn năm nào kiếm được ít hơn, thì ăn Tết bé lại, không khoe khoang với họ hàng là được. Mình vẫn còn nhớ, những năm đầu mở cửa hàng, thậm chí gần Tết còn phải chạy tiền trả nợ. Những tháng ngày như thế, thì dù có ăn Tết to cũng không thấy vui nữa. Nên bây giờ, khi kiếm được tiền rồi, nợ cũng trả hết rồi, thì mình ăn Tết thoải mái hơn. Không quá áp lực về tài chính nữa thì khoản gì cũng muốn tiêu. Tâm trạng vui vẻ, thì kiếm bao nhiêu, tiêu bao nhiêu cũng thấy đủ!”.
Trí Lê (25 tuổi, Nghệ An) - Ảnh NVCC
Không phải lo toan những gánh nặng của gia đình, nên Khánh Linh tập trung vào bản thân hơn, và đã lên kế hoạch tài chính cho cả năm tiếp theo. Với Linh, quan điểm tiêu Tết của cô nàng cũng giống Trí: “Chỉ cần tiêu những thứ thật cần thiết, không rườm rà, không phô trương là được!”.
“Tính mình hay lo xa, nên không chỉ tính tiền tiêu Tết của năm nay, mà mình còn tính cả chi tiêu và tiết kiệm cho năm tới. Mình thường chia thu nhập của mình ra thành 2 khoản là chi tiêu và tiết kiệm hàng tháng. Vì vậy, mình luôn có sẵn số tiền để tiêu kể cả khi thất nghiệp và không có thu nhập trong khoảng 6 tháng. Còn khi duy trì được thu nhập, mình luôn đặt mục tiêu tiết kiệm nhiều nhất có thể. Để những dịp như lễ Tết, mình có sẵn tiền để tiêu mà không cần bỏ công bỏ sức kiếm tiền.
Với mình, Tết là những ngày nghỉ dài sau 1 năm làm việc vất vả, được chi tiền thoải mái hơn một chút để tự thưởng bản thân và gia đình. Tết này, số tiền mình tiêu nhiều nhất là tặng quà bố mẹ. Mình dự định dành hẳn 1 tháng lương cuối năm để biếu bố mẹ. Tiền chi tiêu cho bản thân năm nay, mình sẽ hạn chế nhất có thể. Phần vì không có thưởng Tết, phần nữa là do mình không muốn tiêu phạm vào tiền tiết kiệm quá nhiều. Dự trù ngân sách một cách cụ thể như thế, mình cũng ước lượng được số tiền tiêu Tết. Để từ đó xác định số tiền cần kiếm nếu muốn thực hiện được những mục tiêu đã đề ra. Điều quan trọng nhất, là biết mình muốn gì, và chi tiêu đúng với số tiền mình có!” - Khánh Linh chia sẻ.