Tài chính

Năm khó của kinh tế thế giới

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva vừa đưa ra nhận định khá bi quan về tình hình kinh tế thế giới trong ngày đầu năm mới.

Trả lời phỏng vấn đài CBS (Mỹ) hôm 1-1-2023, bà Georgieva cho rằng đối với phần lớn kinh tế thế giới, năm nay sẽ là một năm khó khăn hơn cả năm 2022 bởi Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đều đồng loạt chứng kiến tăng trưởng chậm lại.

Hồi tháng 10-2022, IMF đã hạ dự báo đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine và lãi suất tăng mạnh do các ngân hàng trung ương ra tay trong nỗ lực kiềm chế lạm phát. Cụ thể, theo IMF, kinh tế toàn cầu dự kiến tăng trưởng 2,7% năm 2023, giảm so với mức 2,9% đưa ra 3 tháng trước đó.

Cũng trong lần dự báo gần đây nhất, IMF cho rằng GDP Trung Quốc tăng 3,2% năm 2022 và tăng 4,4% năm 2023. Kể từ thời điểm đó, Trung Quốc đã hủy bỏ chính sách không khoan nhượng với COVID-19 và hướng đến mở cửa lại nền kinh tế.

Năm khó của kinh tế thế giới - Ảnh 1.

Người dân đón năm mới 2023 tại TP New York - Mỹ. Nền kinh tế hàng đầu thế giới này được cho là sẽ tránh được suy thoái năm nayẢnh: Reuters

Theo bà Georgieva, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại đáng kể vào năm ngoái do chính sách nói trên. "Lần đầu tiên trong 40 năm, tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc năm 2022 có thể tương đương hoặc thấp hơn mức toàn cầu" - bà Georgieva nhận định trong cuộc phỏng vấn trên.

Chưa hết, nữ lãnh đạo IMF cảnh báo nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có thể gặp khó trong vài tháng đầu năm 2023 giữa lúc số ca COVID-19 tăng nhanh, từ đó tác động tiêu cực đến tăng trưởng khu vực và toàn cầu.

Theo Reuters, phát biểu này báo hiệu IMF có thể hạ dự báo đối với tăng trưởng của Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung, trong báo cáo cập nhật dự kiến công bố cuối tháng này.

Với Mỹ, nhận định của bà Georgieva tỏ ra lạc quan hơn khi cho rằng nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể tránh được suy thoái, một phần nhờ thị trường lao động còn "khỏe mạnh". Dù vậy, Tổng Giám đốc IMF lo ngại một khi thị trường lao động Mỹ trở nên mạnh mẽ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể duy trì chính sách tăng lãi suất lâu hơn để giảm lạm phát.

Vào năm ngoái, FED đã nâng lãi suất cơ bản từ gần mức 0 hồi tháng 3 lên phạm vi 4,25% - 4,50% hiện nay. Giới chức FED dự báo con số này sẽ đạt cột mốc 5% năm 2023, mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2007.

Không phải kinh tế nào cũng "kiên cường" như Mỹ. Theo bà Georgieva, Liên minh châu Âu (EU) "trúng đòn" mạnh bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine và phân nửa thành viên khối này dự kiến suy thoái trong năm nay.

Tổng Giám đốc IMF cũng cảnh báo về một mùa đông khó khăn khi EU tìm cách chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng Nga. Đối với các nền kinh tế đang phát triển, tình hình thậm chí còn u ám hơn vì nợ nần, lãi suất cao và đồng USD tăng giá.

Theo dự báo của IMF, 1/3 các nền kinh tế trên thế giới sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay. "Ngay cả ở những quốc gia không bị suy thoái, hàng trăm triệu người cũng sẽ cảm thấy như suy thoái" - bà nói thêm.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm