Tài chính

Các ngân hàng sẽ đối mặt với những khó khăn gì trong năm 2023?

Trong báo cáo chiến lược mới công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng ngành ngân hàng sẽ tiếp tục hành trình vượt bão trong chu kỳ bất động sản đi xuống cùng với triển vọng kém tích cực của xuất nhập khẩu, nhưng khả năng chống chịu của từng ngân hàng sẽ tùy thuộc vào chất lượng tài sản và mức độ thận trọng của ngân hàng trong những năm qua.

Cụ thể, VDSC dự báo, thu nhập lãi của ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng chậm lại do tác động từ tăng trưởng tín dụng cùng với tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) giảm trong năm 2023. Tăng trường tín dụng được kỳ vọng từ 11%-12%, thấp hơn mức mục tiêu 15,5-16% của năm 2022.

Nhóm phân tích nhận định tăng trưởng tín dụng sẽ khác nhau giữa các ngân hàng dựa trên những ưu thế và mức độ hỗ trợ nền kinh tế của từng ngân hàng. Ngoài ra, với triển vọng kém khả quan của thị trường bất động sản, nhu cầu tín dụng dự báo cũng sẽ thấp hơn giai đoạn vừa qua.

Bên cạnh đó, sự suy giảm của NIM cũng có sự phân hóa giữa các nhóm dẫn đến tăng trưởng thu nhập lãi kỳ vọng dưới 11%. Vì vậy, VDSC cho rằng thu nhập lãi của các ngân hàng sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2023.

Mặt khác, nhóm phân tích dự báo hiệu ứng nền so sánh cao, các chương trình hỗ trợ khách hàng cùng với các khó khăn của thị trường bất động sản sẽ làm giảm động lực tăng trưởng thu nhập ngoài lãi.

Theo đó, hoạt động thanh toán khả năng cao sẽ giảm sẽ giảm tốc cùng xu hướng với hoạt động tín dụng trong năm 2023, ngoài ra, xu hướng các ngân hàng chuyển đổi sang chương trình phí thanh toán 0 đồng cũng góp phần giảm tốc độ tăng trưởng thu nhập phí.

Thứ hai, nghiệp vụ ngân hàng đầu tư sẽ giảm về quy mô và biên lợi nhuận vì khối lượng phát hành sắp tới mặc dù có thể tăng trở lại so với năm 2022 nhưng vẫn thấp hơn giai đoạn bùng nổ 2019-2021 do các điều kiện chặt chẽ. Tiêu chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp được nâng cao cũng khiến các ngân hàng khó tìm người mua. Chi phí cho việc tuân thủ các quy định mới của Nghị định 65 cũng sẽ phát sinh nhiều hơn. Và yếu tố quan trọng nhất là niềm tin của nhà đầu tư suy giảm. Các ngân hàng có nguồn thu nhập phụ thuộc vào nghiệp vụ ngân hàng đầu tư càng cao sẽ chịu tác động suy giảm doanh thu phí dịch vụ nhiều hơn.

Thứ ba, đà tăng trưởng thu nhập phí bancassurance tiếp tục chậm lại trên nền tăng trưởng tín dụng dự kiến thấp hơn, hành vi tái phân bổ cơ cấu tài sản cá nhân sang kênh tiết kiệm lãi suất cao và sự bão hòa của thị trường bảo hiểm liên kết đầu tư. Ngoại lệ có thể đến từ một số ngân hàng (LienVietPostBank, HDBank) nhờ ghi nhận phí độc quyền và thu phí bảo hiểm năm đầu khi ký mới các hợp đồng độc quyền phân phối bảo hiểm. Tỷ trọng sản phẩm liên kết đầu tư cũng cho thấy sự giảm nhiệt trong năm 2022 trong khi đây là mảng đóng góp thu nhập phí nhiều nhất trong ngân hàng. Xu hướng này sẽ tiếp tục giảm tốc trong năm 2023, giảm đà tăng trưởng thu nhập phí của ngân hàng trong năm sau.

Trên cơ sở đó, VDSC dự báo tổng thu nhập hoạt động của ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng khiêm tốn trong bối cảnh hoạt động cho vay giảm tốc. Cụ thể, trong nhóm ngân hàng mà VDSC theo dõi, tổng thu nhập hoạt động năm 2023 dự báo tăng trưởng khiêm tốn (+10%YoY) khi tăng trưởng thu nhập lãi ở mức 11% và động lượng tăng trưởng thu nhập phí dần hạ nhiệt (+16%).

Ngoài ra, chất lượng tài sản suy giảm nhẹ cùng với chi phí tín dụng tăng ở mức tương đối (+18%), lợi nhuận trước thuế dự phóng tăng nhẹ ở mức 6% so với năm 2022.

Với dự báo trên, VDSC ước tính tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (RoE) của các ngân hàng nhìn chung sẽ giảm nhẹ trong năm 2023 trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Việt Nam giảm. Mặc dù vậy, một số ngân hàng có bộ đệm dự phòng dày và chất lượng tài sản tốt, ít phơi nhiễm với những ngành rủi ro, khả năng cao vẫn sẽ giữ được mức RoE tương đối, và sẽ hồi phục về mức trung bình trong năm 2024.

Trong năm 2023, VDSC cho rằng chất lượng tài sản ngành ngân hàng có thể bị suy giảm trong chu kỳ đi xuống của lĩnh vực bất động sản cùng với triển vọng xuất nhập khẩu kém tích cực. Dù vậy, sự suy giảm sẽ là khác nhau phụ thuộc vào mức độ phơi nhiễm với TPDN và cho vay BĐS. Bộ đệm dự phòng dày sẽ giúp một số ngân hàng có chính sách thận trọng với hai mảng kinh doanh này thậm chí có thể tránh được sự suy giảm về chất lượng tài sản.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm