Theo hãng tin Bloomberg, ngành bất động sản đóng góp rất lớn cho đà tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và câu chuyện hàng trăm nghìn người từ chối thanh toán tín dụng thế chấp bất động sản đang dấy lên hồi chuông cảnh báo tại nước này.
Mọi chuyện bắt đầu từ bức thư 590 chữ bởi những người mua nhà dự án Dynasty Mansion của tập đoàn Evergrande, hối thúc việc hoàn thành dự án đang bị chậm tiến độ nhưng chẳng được ai quan tâm. Quá tức giận, những người mua nhà này quyết định ngừng mọi hoạt động thanh toán tín dụng thế chấp bất động sản trừ phi công trình được thi công trở lại trước ngày 20/10/2022.
Ngay lập tức, lời tuyên bố này trở thành ngòi nổ lan khắp các mạng xã hội như WeChat hay Douyin và nhanh chóng được hàng loạt người mua bất động sản bắt chiếc. Sau vài ngày, bức thư 590 chữ trở thành khuôn mẫu cho hàng loạt cuộc phản đối từ Thượng Hải cho đến Bắc Kinh khi người mua nhà từ chối thanh toán tín dụng thế chấp vì dự án chậm tiến độ.
Chỉ trong 4 tuần, hơn 320 dự án bất động sản tại 100 thành phố đã đối mặt với phong trào tẩy chay thanh toán tín dụng, buộc ngành ngân hàng và quan chức phải vào cuộc chữa cháy.
"Chúng tôi không muốn làm tình hình tồi tệ đến mức này nhưng chúng tôi không còn lựa chọn nào khác. Chúng tôi chỉ muốn chính quyền nghe được nguyện vọng và giải quyết cho người dân", một người mua nhà của tập đoàn Evergrande tại thành phố Jingdezhen trần tình.
Tình hình trên đã buộc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình yêu cầu các quan chức địa phương phải đảm bảo những dự án nhà ở được hoàn thành đúng tiến độ với sự trợ giúp tài chính từ ngân hàng quốc doanh.
Theo giáo sư Christian Goebel của trường đại học Vienna, việc người mua nhà cùng bắt tay tẩy chay như trên là điều chưa từng xảy ra ở Trung Quốc khi mảng này vốn là nơi tạo ra nhiều lợi nhuận cho cả người dân lẫn nền kinh tế.
Sợ hãi
Trung Quốc bắt đầu siết chặt quản lý thị trường bất động sản từ năm 2020 thông qua kiểm soát nguồn vốn đã khiến hàng loạt công ty như Evergrande rơi vào cảnh thiếu tiền để hoàn thiện dự án. Hậu quả là các công trình đáng phải hoàn thiện trong 12-18 tháng như đã ký kết thì nay mất thêm hàng năm trời chờ đợi, hoặc thậm chí là ngừng hẳn.
Tăng trưởng doanh số bán nhà và đầu tư bất động sản (%)
Thế là những người mua nhà hiện nay vừa không nhận được nhà lại phải đứng ra trả các khoản tín dụng thế chấp, vốn được ký kết từ trước khi công trình hoàn thiện và là kiểu hợp đồng phổ biến ở Trung Quốc.
Anh Li, một người mua nhà của Evergrande tại Wuhan cho biết mình đã thanh toán 40% giá mua và vay ngân hàng số còn lại. Hợp đồng mua nhà này đã bòn rút hết số tiền tiết kiệm sau nhiều năm làm lụng vất vả của anh. Vậy nhưng tòa nhá 39 tầng mà anh Li mua giờ đây chỉ có 1-2 công nhân làm việc với vài chiếc máy để không.
"Chẳng có thứ gì hoạt động ở đây ngoài những con chim hoang cả. Nếu tôi phải trả tín dụng thế chấp cho căn nhà không bao giờ được hoàn thiện như thế này thì đời tôi coi như xong. Điều này khiến tôi vô cùng sợ hãi", anh Li than thở.
Với tình cảnh tương tự, một người mua nhà ở Jingdezhen đã đưa lên ý tưởng từ chối thanh toán tín dụng thế chấp trong nhóm WeChat. Ý tưởng này có rủi ro là sẽ khiến xếp hạng tín dụng cá nhân suy giảm cũng như khó mua nhà bằng vốn vay trong lần sau. Thế nhưng nhiều người vẫn hưởng ứng khi họ chứng kiến hàng loạt người mua tại các dự án của Evergrande cũng làm điều tương tự.
Hàng loạt các bài đăng trên Douyin cho thấy người mua nhà từ chối thanh toán nợ thế chấp khi dự án của họ chậm tiến độ. Thậm chí thuật ngữ "Tingdai" để ám chỉ phong trào tẩy chay này đã được dùng rộng rãi trên các mạng xã hội.
Trên diễn đàn trực tuyến Zhihu, nơi có sự tham gia của nhiều luật sư, chuyên gia cuộc cãi vã về việc giải quyết vấn đề hiện nay đã thu hút sự chú ý của cả những ngân hàng như Citigroup. Tình hình phức tạp đến mức theo Bloomberg, một số nền tảng trực tuyến như Google Dóc hay Notion đã bị chặn ở Trung Quốc và chỉ còn những ứng dụng như GitHub là còn khả dụng.
Ngân hàng cho công ty bất động sản vay (đen) và những khoản tín dụng thế chấp cho người mua (hồng)- (Nghìn tỷ Nhân dân tệ)
Sau khi nỗ lực đưa câu chuyện lên mạng xã hội thất bại, nhiều người mua nhà đã xuống đường biểu tình. Ngày 25/7/2022, một nhóm 50 nhà đầu tư đã xuống đường đòi quyền lợi với khẩu hiệu "Tái xây dựng dự án, tái cấu trúc thanh toán tín dụng thế chấp".
Chán nản
Theo thông báo ngày 8/7/2022, chính quyền thành phố Jingdezhen đã yêu cầu 4 công ty bất động sản quốc doanh tiếp quản dự án của Evergrande để hoàn thành công trình vào cuối năm 2023.
Tuy nhiên câu chuyện về thanh toán tín dụng thế chấp vẫn chưa được giải quyết khi chưa có giải pháp cụ thể nào. Nguồn tin của Bloomberg cho biết chính phủ đang hối thúc ngân hàng cho công ty bất động sản vay để hoàn thành nốt các công trình dang dở, đồng thời tiếp quản những khu đất chưa được xây dựng từ những hãng phá sản.
Trong khoảng thời gian đó, người mua nhà tại Trung Quốc vẫn sẽ phải chờ đợi xem số phận của họ ra sao. Ví dụ như anh Peter, người đã bỏ 2 triệu Nhân dân tệ, tương đương 296.000 USD để mua một khu chung cư tại Zhengzhou vào tháng 5/2021. Đây là số tiền tích cóp hàng năm trời cũng như vay mượn từ gia đình của anh Peter.
"Các hãng bất động sản đã gây tổn hại cho chúng tôi quá nhiều và ngày càng nhiều người mua cảm thấy chán nản. Giờ đây tất cả những gì tôi muốn là được nhận nhà", anh Peter ngán ngẩm.
*Nguồn: Bloomberg