Một người càng tốt bụng, thì ngưỡng giới hạn trong đối nhân xử thế càng phải cao. Như vậy mới khỏi dễ dãi với người khác, lại có thể bảo vệ bản thân mình.
Tốt bụng nhưng hóa ra là nhu nhược
Giao tiếp là để xóa bỏ khoảng cách, thấu hiểu lẫn nhau. Thế nhưng thực tế chúng ta lại thấy toàn sự trách móc, trở thành chướng ngại vật của nhau. Có những người dường như chả bao giờ biết đặt mình vào kẻ khác, không chú ý đến lời nói của mình làm cho kẻ xấu ngày càng táo tợn, còn người tốt thì nhắm mắt làm ngơ để được yên thân.
Chúng ta lựa chọn theo lợi tránh hại để sinh tồn vốn không sai, vấn đề nằm ở chỗ, chúng ta dần dần đã lẫn lộn ranh giới giữa “sáng suốt giữ mình” và “hèn nhát”. Chằng hạn, thấy nữ tài xế bị một gã đàn ông đánh đập thô bạo trên phố, bạn sẽ làm thế nào? Hay thấy đứa bé bị mấy thanh niên vây đánh, bắt nạt, là người qua đường bạn sẽ làm thế nào?
Tuy rằng có thể hiểu rõ được phản ứng cảm xúc của bản thân khi đó, nhưng sự thực là hầu hết mọi người đều vờ như không thấy. Dẫu vậy tôi tin rằng, chắc chắn trong lòng mỗi người đều có một bản thân bị đè nén, bản thân ấy nhất định đang khao khát: chỉ làm việc không hổ thẹn với lòng và thôi không trở thành những “ngài dễ tính” ngó lơ đến cuộc sống xung quanh.
Danh nghĩa quan tâm chẳng qua chỉ để thỏa mãn sự hài lòng của bản thân
Nhiều lúc, người thân hay người yêu của chúng ta sẽ yêu thương chúng ta theo cách mà họ tự cho là đúng đắn.
Họ sẽ dựa vào kinh nghiệm của mình hùng hồn khuyên bảo chúng ta, phải sống thế nào mới thích hợp. Họ sẽ dựa vào khát vọng của mình ân cần mách bảo chúng ta, phải có những gì mới hạnh phúc.
Họ đã quên mất một điều: con người ta đến thế gian này, không phải để sống cả đời theo cách của người khác.
Thế là, rất nhiều người luẩn quẩn đau khổ trong mâu thuẫn này, còn cảm thấy tủi thân vô hạn, thường nói những lời đại loại như “Tôi muốn tốt cho bạn mà”, “Tôi sợ bạn chịu khổ mà”,…
Thật ra, cái “sợ” ấy chỉ là cảm giác coi mình làm trung tâm. Họ cho rằng, tốt nhất là người khác nên sống cả đời theo cách mà họ nhận định. Kỳ thực, thứ họ theo đuổi chỉ là bản thân hài lòng vừa ý. Họ không biết rằng yêu một người thì nên tôn trọng lựa chọn của người ấy, để người ấy sống theo cách mình thích; huống chi có lúc, chọn chịu khổ cũng là quyền của người ta.
Tổn thương dễ gây nên nhất trên danh nghĩa tình yêu là tước đoạt quyền lựa chọn của người khác. Nếu yêu chỉ là một bên khăng khăng làm theo ý mình thì có lẽ rất nhiều người đều thà rằng sự quan tâm như thế không tồn tại.
Một số “điều tốt” mãi mãi không được cảm kích
Người khác tốt với bạn vì họ thích, bạn tốt với người khác là vì bạn can tâm tình nguyện. Không phải mọi sự cho đi đều có đền đáp, cũng không phải mọi sự cho đi đều cần đền đáp.
Nhiều người trong chúng ta luôn giương cao ngọn cờ yêu thương, hùng hồn ép buộc người khác, hễ có chút tranh chấp, bên tự giác cho đi nhiều hơn sẽ nói “Lúc trước tôi đối tốt với cậu như thế nào”…
Nếu việc tốt bị bản thân người thực hiện cho là sự cho đi không cân xứng, khi sự đáp trả của đối phương không thỏa mãn được mong đợi, thất vọng sẽ nảy sinh. “Cảm giác mình là kẻ cho đi” là hung thủ bóp chết các mối quan hệ.
Cuộc sống đều do bản thân lựa chọn, bất kể là vì vợ bạn từ bỏ sở thích, hay vì chồng hy sinh thời son trẻ, hoặc vì con gác lại sự nghiệp, tất cả, chỉ cần không phải người khác ép buộc bạn, thì ngay khi quyết định làm thế, bạn đã hoàn thành cuộc trao đổi ngang giá về tình cảm rồi.
Bạn không thể coi “việc tốt” này của mình giống như khoản tiền gửi ngân hàng, người khác phải trả hết vốn lẫn lời theo lãi suất mà bạn mong đợi vào một ngày nào đó.
Suy cho cùng, trên thế gian này, chỉ có một điều nên làm duy nhất, là bạn nên yêu bản thân, đồng thời vì yêu bản thân mà nâng cao năng lực yêu thương.
*Bài viết có sử dụng tư liệu từ cuốn “Lòng tốt của bạn cần thêm đôi phần sắc sảo” của Mộ Nhân Ca, dịch giả Nguyễn Vinh Chi