Kỹ năng sống

Không chỉ người béo, người gầy cũng dễ mắc gan nhiễm mỡ và ung thư gan

ThS.BS Lưu Thị Minh Diệp, Trung tâm Tiêu hóa Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai, cảnh báo gan nhiễm mỡ là tình trạng mỡ tích tụ vượt quá 5% trọng lượng gan, gây ảnh hưởng đến chức năng gan và tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm.

Bệnh đang ngày càng phổ biến trong bối cảnh lối sống ít vận động, ăn uống nhiều dầu mỡ, đường và sử dụng rượu bia. Đáng chú ý, gan nhiễm mỡ có thể dẫn tới ung thư gan ngay từ giai đoạn F1, F2 mà không cần trải qua giai đoạn xơ gan.

Ngoài ra, người mắc còn có nguy cơ ung thư đại tràng cao gấp 20 lần, cùng nhiều bệnh lý ngoài gan như tim mạch, bệnh thận mạn, hội chứng ngưng thở khi ngủ.

Gầy vẫn có thể bị gan nhiễm mỡ

Nguyên nhân chính của bệnh là chế độ ăn không hợp lý, béo phì và ít vận động. Tuy nhiên, người gầy cũng có thể mắc do rối loạn chuyển hóa hoặc yếu tố di truyền.

Bệnh tiến triển âm thầm, ít biểu hiện ở giai đoạn đầu. Khi nặng hơn, người bệnh có thể thấy mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, dị ứng da, đau vùng bụng phải, sụt cân không rõ nguyên nhân, đặc biệt khi ăn đồ dầu mỡ. Trong giai đoạn nghiêm trọng, có thể xuất hiện vàng da, chảy máu cam, chảy máu chân răng do gan suy yếu.

Gan nhiễm mỡ tưởng lành tính nhưng có thể tiến triển âm thầm thành ung thư gan. (Ảnh minh hoạ)

Gan nhiễm mỡ tưởng lành tính nhưng có thể tiến triển âm thầm thành ung thư gan. (Ảnh minh hoạ)

Ba giai đoạn gan nhiễm mỡ

Hiện nay, gan nhiễm mỡ được chia thành ba mức độ:

Mức độ nhẹ (MASLD): Mỡ tích tụ nhưng chưa gây viêm, có thể hồi phục nếu thay đổi lối sống.

Mức độ vừa (MASH): Bắt đầu có viêm gan, cần can thiệp bằng ăn uống lành mạnh và tập thể dục.

Mức độ nặng: Mỡ tích tụ gây viêm, xơ gan và nguy cơ tiến triển thành ung thư, đòi hỏi điều trị tích cực và theo dõi định kỳ.

Phát hiện sớm, cải thiện kịp thời

Hiện có nhiều phương tiện giúp đánh giá mức độ bệnh như xét nghiệm máu, siêu âm đàn hồi gan, chụp CT và sinh thiết. Dù ở mức độ nào, việc điều trị đều cần bắt đầu từ thay đổi lối sống.

Bác sĩ Diệp khuyến cáo nên ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, thực phẩm giàu chất xơ, hạn chế đường, dầu mỡ và đồ chế biến sẵn. Đồng thời, cần tập luyện thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày. Những bài tập đơn giản như đi bộ, yoga, chạy bộ hoặc bơi lội đều có lợi cho gan.

Giảm cân đúng cách là chìa khóa: giảm trên 3% trọng lượng giúp cải thiện mỡ gan, 5-7% cải thiện viêm gan, trên 10% mới có tác dụng với xơ hóa. Ngay cả người gầy cũng cần giảm mỡ nội tạng, tăng khối cơ để kiểm soát bệnh hiệu quả.

Với người có bệnh lý nền như tiểu đường, huyết áp cao, việc kiểm soát tốt các chỉ số sẽ giúp hạn chế nguy cơ biến chứng gan nhiễm mỡ. Khám sức khỏe định kỳ là cách đơn giản nhất để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.

Các tin khác

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Đã đến lúc tận dụng vốn tư nhân, nhưng...

“Đã đến lúc chúng ta phải tận dụng nguồn vốn từ kinh tế tư nhân, sự năng động, quyết toán và tính quản lý chặt chẽ của họ để tham gia thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Tuy nhiên, con đường đi còn rất dài chứ không thể thực hiện được ngay được”, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy nói.