Xã hội

Triển lãm ảnh quý về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 17.5, Ban tổ chức các ngày lễ lớn TP.HCM khai mạc triển lãm ảnh "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người anh hùng dân tộc vĩ đại, kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc Việt Nam và thời đại".

Đây là hoạt động kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2025) và 114 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5.6.1911 - 5.6.2025).

Triển lãm diễn ra tại 3 địa điểm: phố đi bộ Nguyễn Huệ (khu vực giao với đường Hải Triều, Q.1), đường Đồng Khởi (phía trước trụ sở Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM), đường Đồng Khởi (đối diện công viên Chi Lăng). Triển lãm diễn ra từ ngày 17.5 - 11.6.

Tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (khu vực giao với đường Hải Triều, Q.1), với 100 hình ảnh trưng bày, triển lãm khái quát cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ thuở thiếu thời đến lúc Người quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước. 

Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam làm nên những thắng lợi lịch sử, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc và hiện cả nước đang tự tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Triển lãm ảnh quý về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh- Ảnh 1.

Người dân TP.HCM có thể tham quan triển lãm từ hôm nay đến ngày 11.6

ẢNH: T.L

Cùng thời điểm, tại đường Đồng Khởi (Q.1), ban tổ chức cũng trưng bày triển lãm với chủ đề "Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim Người", với 70 ảnh. 

Triển lãm giới thiệu hình ảnh thể hiện tình cảm sâu nặng, sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh với miền Nam trong những năm tháng đấu tranh cách mạng gian khổ. Tình cảm ấy luôn là sức mạnh tinh thần vô giá, là nguồn động viên to lớn, của quân và dân miền Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Tại địa điểm đối diện công viên Chi Lăng, triển lãm với chủ đề "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tấm gương sáng ngời về tinh thần tự học và học tập suốt đời", gồm 50 ảnh. 

Triển lãm giới thiệu những tư liệu, hình ảnh, về quá trình học tập, rèn luyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ thuở niên thiếu đến khi trở thành nhà lãnh đạo vĩ đại của dân tộc và một số tác phẩm sách, báo, tạp chí tiêu biểu do Bác viết hoặc trực tiếp chỉ đạo sáng tác, thực hiện… trong suốt quá trình hoạt động cách mạng. 

Đồng thời, qua triển lãm còn thể hiện sự quan tâm của Bác Hồ đối với việc nâng cao dân trí, khuyến khích cán bộ và nhân dân đọc sách, báo để mở rộng kiến thức, nâng cao trình độ, để phục vụ nhân dân và góp phần phát triển đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa yêu nước chân chính

Cách đây 135 năm, tại làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, nơi có truyền thống đấu tranh kiên cường chống ách thống trị của thực dân - phong kiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cất tiếng khóc chào đời. 

Người lớn lên trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động; nhiều cuộc khởi nghĩa, đấu tranh giành độc lập cho dân tộc lần lượt thất bại; phong trào cứu nước của nhân dân ta đứng trước khủng hoảng sâu sắc về đường lối.

Giữa lúc dân tộc ta đứng trước cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước, nhiều nhà yêu nước đương thời tiếp tục con đường cứu nước theo lối cũ thì ngày 5.6.1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành (tức là Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh sau này) ra đi tìm đường cứu nước theo phương hướng mới.

Với khát vọng cháy bỏng giành độc lập tự do cho dân, cho nước, Nguyễn Tất Thành đã bất chấp mọi nguy hiểm, gian khổ, đi qua nhiều nước của châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và đã rút ra chân lý: Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc thực dân là cội nguồn mọi đau khổ của công nhân và nhân dân lao động ở chính quốc cũng như ở các nước thuộc địa. Người đã tiếp thu thế giới quan, phương pháp luận cách mạng khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Bằng thiên tài trí tuệ, nhận thức đúng xu thế phát triển tất yếu của loài người và tính chất của thời đại mới mở ra từ Cách mạng Tháng 10 Nga, Người đã tìm thấy ở đó những vấn đề cơ bản của đường lối giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng con người, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Ngày 3.2.1930, dưới sự dẫn dắt của Nguyễn Ái Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, kết thúc thời kỳ "đen tối không có đường ra" của phong trào cách mạng nước ta. 

Và cũng từ đấy, đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã có Đảng dẫn lối đưa đường, để giải phóng dân tộc, giành lại độc lập, tự do và tự quyết định vận mệnh của mình. 

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã gắn kết thành một khối, phát huy cao độ sức mạnh toàn dân tộc, làm nên những thắng lợi vĩ đại, viết nên những trang sử chói lọi nhất trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam.

Triển lãm ảnh quý về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh- Ảnh 2.

Lãnh đạo TP.HCM tham quan triển lãm ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh

ẢNH: T.L

Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp nhuần nhuyễn với chủ nghĩa quốc tế vô sản. 

Người đã hết lòng, hết sức xây dựng sự đoàn kết, không ngừng vun đắp quan hệ gắn bó, hữu nghị giữa các dân tộc Đông Dương, các nước láng giềng; cống hiến xuất sắc cả về lý luận và thực tiễn cho phong trào cộng sản và phong trào giải phóng dân tộc.

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng vĩ đại, đầy gian khổ, cao thượng và phong phú, sáng trong và đẹp đẽ, trở thành một vĩ nhân của thế kỷ 20, anh hùng giải phóng dân tộc, lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Các tin khác

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Đã đến lúc tận dụng vốn tư nhân, nhưng...

“Đã đến lúc chúng ta phải tận dụng nguồn vốn từ kinh tế tư nhân, sự năng động, quyết toán và tính quản lý chặt chẽ của họ để tham gia thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Tuy nhiên, con đường đi còn rất dài chứ không thể thực hiện được ngay được”, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy nói.