Chứng khoán

Khối ngoại xả ròng hàng nghìn tỷ đồng hai cổ phiếu trong tuần VN-Index biến động mạnh

VN-Index đóng cửa tuần giao dịch 5 – 9/8 tại 1.223,64 điểm, giảm 12,96 điểm tương đương 1,05% so với tuần trước đó. Số phiên tăng điểm nhiều hơn phiên giảm (3/5 phiên tăng) nhưng VN-Index vẫn giảm tuần thứ 5 liên tiếp, chủ yếu do cú giảm mạnh (-3,92%) trong ngày thứ Hai đầu tuần, đồng pha với sự điều chỉnh của thị trường chứng khoán toàn cầu do bị bán tháo. 

Thanh khoản nhích nhẹ nhờ giao dịch thỏa thuận sôi động hơn. Cụ thể, tổng giá trị giao dịch bình quân phiên trên toàn thị trường đạt 19.085 tỷ đồng, tăng 3,9% so với tuần trước. Tính riêng khớp lệnh, thanh khoản bình quân ở mức 16.376 tỷ đồng, giảm 2,8% so với tuần trước và giảm 6,6% so với trung bình 5 tuần gần đây.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.  

Đà giảm của VN-Index trong tuần này đến từ nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn, đứng đầu là TCB với mức giảm 10,3% trong tuần đã lấy đi hơn 4 điểm của VN-Index. HPG xếp thứ hai với mức ảnh hưởng giảm gần 1,84 điểm và vị trí thứ 3 là HVN với mức giảm mạnh hơn tuần trước cũng đã ảnh hưởng đến VN-Index với 1,47 điểm. Bên chiều tăng điểm, GAS có đóng góp lớn nhất với gần 1,57 điểm, theo sau là VHM với 1,46 điểm và FPT với 1,38 điểm.

Trên HOSE, nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh bán ròng 3.944 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ rút ròng 2.667 tỷ đồng.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.  

Trong đó, cổ phiếu VJC của Công ty cổ phần Hàng không VietJet bị xả ròng mạnh nhất với giá trị gần 1.124 tỷ đồng.

Đứng thứ hai trong danh mục xả ròng của khối ngoại là cổ phiếu VHM với 1.112 tỷ đồng. Bất chấp sức ép bán ròng của dòng tiền ngoại, cổ phiếu của Vinhomes có nhịp tăng 3,3% trong tuần qua, nổi bật là phiên tăng trần ngày 7/8.

Vừa qua, Vinhomes vừa thông báo sẽ mua 370 triệu cổ phiếu quỹ, chiếm 8,5% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của công ty, theo phương thức giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Phía công ty cho biết thị giá VHM đang ở mức thấp hơn so với giá trị thực của công ty, việc mua lại cổ phiếu nhằm đảm bảo quyền lợi của công ty và cổ đông.

Cùng chiều, danh mục các mã bị NĐT nước ngoài bán ròng mạnh nhất còn có nhiều đại diện thuộc nhóm vốn hóa lớn và trung bình như HPG (558 tỷ đồng), TCB (504 tỷ đồng), VPB (317 tỷ đồng), STB (220 tỷ đồng), MWG (186 tỷ đồng), SSI (173 tỷ đồng), AGG (120 tỷ đồng) và VIC (96 tỷ đồng).

Bên chiều mua ròng, cổ phiếu VNM của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) được khối này mua vào nhiều nhất với giá trị 732 tỷ đồng, chủ yếu là thông qua kênh khớp lệnh. Trong đó, hoạt động giải ngân tập trung trong phiên 6/8 và 7/8 khi NĐT nước ngoài mạnh nay mua ròng với giá trị mỗi phiên hơn 200 tỷ đồng.

Trở lại với giao dịch của khối ngoại tuần qua, HDB và MSN cũng được mua ròng lần lượt 197 tỷ và 172 tỷ đồng. Danh mục Top10 gom ròng còn có sự góp mặt của VCI, BCM, HVN, GAS, DGC, DPM và PLX với quy mô dưới 100 tỷ đồng.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.  

Trên HNX, NĐT nước ngoài mua ròng 2/5 phiên. Tính chung cả tuần, nhà đầu tư gom ròng với giá trị gần 6,3 tỷ đồng, nhưng rút ròng với khối lượng 0,79 triệu đơn vị.

Trong đó, khối ngoại tiếp tục mua ròng 46,5 tỷ đồng ở cổ phiếu IDC của Tổng công ty IDICO - Công ty Cổ phần. Theo sau là TNG (12,5 tỷ đồng) và những giao dịch tương tự như VTZ (2,7 tỷ đồng), VNC (2,3 tỷ đồng) và IVS (1,7 tỷ đồng).

Ở phía đối diện, cổ phiếu SHS của Công ty Cổ phần Chứng Khoán Sài Gòn Hà Nội dẫn đầu bên bán với giá trị hơn 15,7 tỷ đồng. Mã DTD cũng bị rút ròng 11,1 tỷ đồng. Cùng chiều, NĐT ngoại cũng bán ròng các mã BVS (7,7 tỷ đồng), NTP (5,8 tỷ đồng) và VGS (4,8 tỷ đồng).

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.  

Tại thị trường UPCoM, khối ngoại bán ròng 3/5 phiên. Tính chung cả tuần, nhà đầu tư nước ngoài rút ròng hơn 57 tỷ đồng với khối lượng hơn 0,26 triệu đơn vị.

Cụ thể, khối ngoại mua ròng 11,8 tỷ đồng ở cổ phiếu OIL của Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP. Cùng chiều, giao dịch giải ngân còn được chứng kiến ở các mã MCH (8 tỷ đồng), KLB (2,7 tỷ đồng), VHG (1,2 tỷ đồng) và CSI (0,8 tỷ đồng).

Chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 55 tỷ đồng cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP. Theo sau là các giao dịch tương tự với giá trị thấp hơn như QNS (18,1 tỷ đồng), DGT (6,4 tỷ đồng), BSR (1,5 tỷ đồng) và VAB (0,9 tỷ đồng).

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm