Chứng khoán

Khối ngoại có tuần bán mạnh nhất trong hơn 2 tháng, tâm điểm thỏa thuận hơn 3.000 tỷ đồng mã EIB

VN-Index tiếp tục trải qua một tuần giao dịch với diễn biến khá độc lập với biến động của thị trường chứng khoán thế giới và khu vực. Bắt chấp các thị trường thế giới tăng điểm mạnh trong trong phiên đầu tuần, VN-Index giảm gần 40 điểm, xuyên thủng vùng đáy 1.000 trước đó. Tuy nhiên sau khi chạm đáy mới tại sát mốc 960, chỉ số đã quay đầu từ giữa phiên ngày 25/10 và hồi phục mạnh.

Đà hồi phục của VN-Index đã dừng lại khi chạm mốc 1.043 và chốt tuần tại mức 1.027,36. Tính chung cả tuần VN-Index tăng nhẹ 7,54 điểm, tương đương tăng 0,74% so với mức đóng cửa của tuần trước.

Ngân hàng là nhóm đóng góp lớn nhất cho sắc xanh của chỉ số. Với 8 vị trí trong Top10, cổ phiếu của các nhà băng đã giúp VN-Index tăng 15,8 điểm trong tuần. Chiều giảm điểm, ngành bất động sản trong đó dẫn đầu là VHM đã tạo áp lực lớn đến chỉ số. Các mã VHM, NVL, VIC, KBC, DIG, VGC và PDR đã lấy đi 8,4 điểm của VN-Index.

Liên quan đến giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, khối ngoại có tuần bán mạnh nhất trong hơn 2 tháng qua với tổng giá trị bán ròng hơn 3.300 tỷ đồng, trong đó hơn 3.000 tỷ đồng được khối này bán trong phiên ngày 28/10.

EIB là tâm điểm bán ròng trên HOSE với quy mô hơn 3.340 tỷ đồng

Trên HOSE, EIB là cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất với giá trị 3.341 tỷ đồng. Theo Mirae Asset Việt Nam, có khả năng đây là giao dịch thoái vốn của cổ đông lớn Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC). Nếu loại trừ giao dịch này, khối ngoại giao dịch tương đối cân bằng trong tuần.

Ngoài cổ phiếu của Eximbank bị xả ròng đột biến, các mã còn lại trong Top10 bán ròng có quy mô dưới 350 tỷ đồng. Cụ thể, ông lớn HPG của Tập đoàn Hòa Phát tiếp tục nằm trong danh mục rút vốn với 329,4 tỷ đồng.

Theo dõi giao dịch cho thấy dòng tiền ngoại liên tục rút ra ở VND trong vài tuần gần đây. Mã này có nhịp giảm 11% trong tuần qua với 3 phiên giảm sàn và 1 phiên tăng trần. Tương tự, hoạt động rút vốn còn được chứng kiến ở STB (163,8 tỷ đồng) và nhiều cổ phiếu bất động sản như KBC (134,2 tỷ đồng), VHM (131 tỷ đồng), VIC (113,4 tỷ đồng), KDH (84,2 tỷ đồng), NLG (80,2 tỷ đồng).

 Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Chiều ngược lại, cổ phiếu MSN và VNM tiếp tục là hai đại diện được dòng tiền ngoại chú ý, tuy nhiên có sự đảo vị trí so với tuần trước đó.

Cụ thể, mã MSN của Tập đoàn Masan dẫn đầu về quy mô mua ròng trong tuần với 264 tỷ đồng. Lực cầu từ nhà đầu tư nước ngoài đẩy giá MSN tăng hơn 12% lên 83.900 đồng/cp. Kế đó, cổ phiếu VNM của Vinamilk cũng được khối ngoại gom ròng hơn 168,1 tỷ đồng trong bối cảnh mã này có nhịp tăng nhẹ hơn 1,2%.

Một cổ phiếu ngân hàng khác là FRT cũng nằm trong top mua ròng với giá trị 148,3 tỷ đồng. Dòng tiền ngoại còn đổ vào một số cổ phiếu ngân hàng như VCB (62,6 tỷ đồng), MBB (46,3 tỷ đồng). Lực mua còn xuất hiện tại các cổ phiếu vốn hóa vừa và lớn như GMD (62,5 tỷ đồng), HDG (59,4 tỷ đồng), VRE (56,9 tỷ đồng), DCM (49,2 tỷ đồng), DIG (30,1 tỷ đồng).

Sàn HNX được gom ròng gần 90 tỷ đồng 

Tại HNX, khối ngoại duy trì xu hướng mua ròng với quy mô gần 90 tỷ đồng.

Về giá trị cụ thể, cổ phiếu IDC của Tổng công ty IDICO tiếp tục thu hút dòng vốn ngoại với quy mô mua ròng 43,5 tỷ đồng, theo sau là PVS (133,6 tỷ đồng). Lực cầu ở hai mã đứng đầu bỏ xa các mã còn lại trong Top mua ròng. Ngoài ra, hoạt động giải ngân tìm đến một số cổ phiếu như PVI (7,9 tỷ đồng), SHS (1,5 tỷ đồng), BVS (1,5 tỷ đồng)

Tại chiều bán ròng, không mã nào bị rút ròng trên 2 tỷ đồng. NĐT nước ngoài lần lượt bán ròng VNC (2 tỷ đồng), HLD (1,9 tỷ đồng), EVS (0,7 tỷ đồng), TNG (0,4 tỷ đồng), BCC (0,3 tỷ đồng),... 

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Khối ngoại mua ròng nhẹ trên UPCoM

Trong khi đó, trên thị trường UPCoM, khối ngoại tiếp tục mua ròng nhẹ với quy mô gần 2 tỷ đồng.

Trong đó, khối ngoại chủ yếu bán ròng hơn 17,2  tỷ đồng cổ phiếu VEA của Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP. Kế đó NTC bị bán ròng 2,4 tỷ đồng. Ngoài ra, danh mục rút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài còn có sự góp mặt của VTP (1,9 tỷ đồng), TCI (1,2 tỷ đồng), HD6 (0,4 tỷ đồng),...

Ở phía ngược lại, duy nhất QNS của Đường Quảng Ngãi được mua ròng trên 5 tỷ đồng. Danh mục giải ngân còn có các đại diện như MCH (3,9 tỷ đồng), OIL (3,7 tỷ đồng), BSR (2,1 tỷ đồng), MCM (1,7 tỷ đồng),...

  Nguồn: Thu Thảo tổng hợp

Cùng chuyên mục

Đọc thêm