Doanh nghiệp

Chuyên gia ACBS khuyến nghị ứng phó ba kịch bản tăng tỷ giá

Ông Trịnh Viết Hoàng Minh, chuyên viên phân tích mảng vĩ mô và phái sinh của ACBS, cho biết, tỷ giá tiếp tục chịu áp lực tăng cao trong quý 4 năm nay và cả năm sau. Trong bối cảnh nhà điều hành liên tục nâng giá bán đôla Mỹ, tỷ giá ngoại tệ này bên ngoài thị trường cũng ghi nhận biến động mạnh nhất trong nhiều năm. Hầu hết ngân hàng thương mại đã nâng giá bán đôla Mỹ lên mức kịch trần 24.885 đồng.

ACBS dự báo tỷ giá có thể sẽ ở vùng 24.000 đồng đến 25.500 đồng từ nay đến cuối năm, và có thể duy trì quanh vùng này mà không bị mất giá quá nhiều trong năm 2023. Đây là kịch bản cơ bản, tức lạm phát được kiểm soát, và Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ lộ trình tăng lãi suất như đã đưa ra.

Ông Trịnh Viết Hoàng Minh, chuyên viên phân tích mảng vĩ mô và phái sinh của ACBS.

Ông Trịnh Viết Hoàng Minh, chuyên viên phân tích mảng vĩ mô và phái sinh của ACBS. Ảnh: ACBS

Với kịch bản xấu, Fed buộc phải tăng lãi suất mạnh hơn để kìm lại đà tăng của lạm phát, có thể dẫn đến tình huống tỷ giá quý 4/2022 dao động quanh mức 24.500 đồng đến 25.500 đồng từ nay đến cuối năm, nếu Ngân hàng Nhà nước không tăng lãi suất trong khoảng thời gian còn lại của năm.

Ở kịch bản thứ ba, tỷ giá bớt áp lực hơn khi Ngân hàng Nhà nước có thể nâng lãi suất thêm 0,5-1 điểm phần trăm.

Theo ông Minh, tỷ giá sẽ tiếp tục chịu áp lực trong 6 tháng đầu năm sau. Nếu Ngân hàng Nhà nước có động thái khác, như tăng lãi suất, hoặc có thêm dòng ngoại tệ chảy vào mạnh như dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hay dòng tiền từ hoạt động xuất khẩu, khách du lịch quốc tế thì trong 6 tháng cuối năm 2023 thì tỷ giá sẽ ổn định.

"Đến năm 2024 tín hiệu tích cực nhất là dòng vốn đảo chiều về lại Việt Nam, sẽ giúp tỷ giá giảm", ông Minh chia sẻ thêm.

hg

Sự biến động của tỷ giá từ tháng 1/2021 đến tháng 10/2022. Nguồn: ACBS

Về chính sách điều hành, các chuyên gia từ ACBS cho rằng nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua đã giúp tỷ giá tiền đồng tăng không nhiều so với các loại tiền tệ khác. Các động thái này bao gồm việc tiếp tục bán ngoại tệ (quỹ dự trữ ngoại hối ước còn khoảng 86 tỷ đôla), tăng lãi suất điều hành và nhiều chính sách quản lý ngoại hối khác.

Theo ông Cao Việt Hùng, trưởng bộ phận Phân tích tài chính, ACBS, từ tháng 6 đến nay Ngân hành Nhà nươpcs liên tục điều tiết trên thị trường liên ngân hàng để giữ lãi suất liên ngân hàng ở mức cao tương đối so với đôla Mỹ. Tương tự, lãi suất trên thị trường dân cư tăng 1% kể từ đầu năm với các ngân hàng lớn, từ 2-3% đối với ngân hàng nhỏ, từ đó giảm áp lực dài hạn của tỷ giá.

Tuy nhiên, các chuyên gia ACBS cũng cho biết, áp lực của tỷ giá vẫn còn rất lớn vì nguồn đôla chảy vào nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa trở lại như thời điểm trước đại dịch Covid-19, dù hai yếu tố xuất khẩu và FDI vẫn đang phục hồi tốt.

Ông Cao Việt Hùng, trưởng bộ phận Phân tích tài chính, ACBS.

Ông Cao Việt Hùng, trưởng bộ phận Phân tích tài chính, ACBS. Ảnh: ACBS

Ông Hùng lý giải, lượng kiều hối, theo ước tính không chính thức, trong 6 tháng đầu năm 2022 chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm trước đó. Nhu cầu đôla Mỹ trong nền kinh tế cũng đang tăng cao vì các doanh nghiệp trong nước sẽ tích cực giảm nợ vay bằng đồng đô la để giảm áp lực tỷ giá.

Tương tự, theo ông Minh, dòng tiền ngoại tệ suy giảm còn xuất phát từ nguyên nhân nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động du lịch hiện tại chỉ khoảng 1/10 so với trước đại dịch Covid-19. Ngoài ra, Việt Nam còn đang chịu áp lực thâm hụt ngoại tệ từ cán cân dịch vụ, tức luồng ngoại tệ đi ra nước ngoài rất lớn (ước tính thâm hụt dịch vụ 9 tháng đầu năm khoảng 11 tỷ đôla).

"Nếu dòng khách du lịch quốc tế hồi phục trở lại và các nhà kinh doanh tối ưu hóa hoạt động dịch vụ thì cũng có thể giúp tạo thêm nguồn thu ngoại tệ, giúp giảm áp lực của tỷ giá", ông Minh kỳ vọng.

Đối với doanh nghiệp, ông Cao Việt Hùng, cho biết, tỷ giá tăng đã tác động tiêu cực đến hoạt động của các doanh nghiệp. Không ít doanh nghiệp vay nợ bằng đồng đôla Mỹ hiện tại lợi nhuận đang bị ảnh hưởng, đặc biệt trong bối cảnh lãi vay tăng lên đáng kể. Tương tự, đối với nhà sản xuất, chi phí nhập khẩu trang thiết bị, máy móc, công nghệ... cũng tăng lên so với trước kia.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường khác ngoài Mỹ cũng đang chịu ảnh hưởng tiêu cực vì tiền đồng tăng giá so với các đồng tiền khác trên thế giới.

Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng triển vọng kinh doanh dài hạn của doanh nghiệp niêm yết vẫn khả quan, đặc biệt trong quý 3 vừa qua nhiều doanh nghiệp đã đưa ra kỳ vọng tăng trưởng tương đối cao. Đây sẽ là chất xúc tác lành mạnh cho thị trường cổ phiếu trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, theo ACBS, thị trường vẫn còn nhiều điểm sáng tích cực và các nhà đầu tư cũng không nên quá bi quan. Chẳng hạn, tăng trưởng GDP trong năm nay được dự báo có thể đạt mức cao nhất 8,5%, và năm sau có thể hơn 6%, theo dự báo của các định chế tài chính lớn trên thế giới.

nhb

Tăng trưởng GDP của Việt Nam qua các năm. Ảnh: ACBS

Các biến số vĩ mô cũng ổn định như lãi suất điều hành quanh mức 5% một năm, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, dòng vốn FDI, kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn đang tăng trưởng tích cực.

Những thay đổi của thị trường đòi hỏi các doanh nghiệp cần có kịch bản tăng trưởng chủ động và linh hoạt hơn. Trong bối cảnh tỷ giá chịu áp lực tăng cao, các chuyên gia ACBS cũng khuyến nghị các doanh nghiệp nên sử dụng các công cụ quản lý rủi ro tỷ giá nhiều hơn, giữ sự ổn định cho hoạt động kinh doanh.

Ngoài ra, dòng vốn kinh doanh cũng là một mối quan tâm lớn, trong bối cảnh chững lại do tín dụng ngân hàng bị hạn chế, thị trường trái phiếu có bước thay đổi về pháp lý khi Bộ tài chính ban hành Nghị định 65, sửa đổi Nghị định 163.

"Quy định mới được kỳ vọng sẽ làm cho thị trường trái phiếu chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, điều này cũng cần nhiều thời gian. Doanh nghiệp muốn giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn vay và trái phiếu có thể sử dụng nguồn lợi nhuận giữ lại. Điểm tích cực là tăng trưởng GDP hiện đang ở mức cao và kỳ vọng tiếp tục trong năm sau. Đây sẽ là môi trường thuận lợi để doanh nghiệp có thể sử dụng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh để tái đầu tư", ông Cao Việt Hùng chia sẻ.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm