Theo Tổng cục Thống kê, thế hệ Gen Y và Gen Z (gọi chung là Millennial-Z) hiện chiếm tới 47% dân số Việt Nam. Sinh ra và lớn lên trong công cuộc Đổi mới, hội nhập của đất nước, cũng như sự phát triển vượt bậc của công nghệ, thế hệ này mang những quan điểm vô cùng khác biệt so với Gen X.
Tuy nhiên, trong bài viết thuộc Báo cáo Thị trường Bất động sản Căn hộ 2022 của One Housing, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh khẳng định: "Không thể phủ nhận sự thật: Gen Y và Gen Z là thế hệ đặt nền móng, chứng kiến sự biến chuyển trọng đại của thiên niên kỷ".
So với thế hệ trước, Millennial-Z sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho chất lượng sống, có xu hướng tận hưởng tức thời thay vì tiết kiệm và tích lũy cực đoan. Bên cạnh đó, họ dễ thấu hiểu và đồng cảm với các vấn đề xã hội như bảo vệ môi trường, đồng thời quan tâm nhiều hơn về sức khỏe tinh thần.
"Lựa chọn một không gian sống với họ không chỉ là một nơi để ở đơn thuần mà còn là tiện ích giải trí, không gian để đảm bảo sống gần gũi, thân thiện với môi trường… Họ ủng hộ các doanh nghiệp địa phương nhưng cũng dễ dàng lựa chọn các thương hiệu quốc tế", TS. Thành cho biết.
Sau gần 3 năm đại dịch Covid-19, xu hướng tiêu dùng bất động sản xanh, hướng tới nghỉ dưỡng, sức khỏe cũng ngày càng nổi bật.
TS. Thành đánh giá yếu tố thế hệ dẫn đến nhiều sự khác biệt trên thị trường bất động sản. Với những thế hệ mới đi làm, Gen Z có thể ưa chuộng chung cư mini. Quan niệm về sở hữu của họ khác quan niệm để ở. Nếu có tiền thì họ sẽ đầu tư, kinh doanh các lĩnh vực khác thay vì chỉ là bất động sản.
"Vì vậy, các doanh nghiệp ngày nay buộc phải chú trọng hơn vào thương hiệu, hình ảnh, dịch vụ hậu mãi tốt hơn thế hệ “tốt - bền - rẻ” trước đây. Các dự án nhà ở ngày càng phải dành nhiều không gian cho tiện ích và giá trị của bất động sản nhà ở được tạo ra bởi tiện ích nội khu", TS. Thành chỉ ra, nói thêm rằng thương hiệu là yếu tố khiến khách hàng sẵn sàng trả thêm tiền cho sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.
Thế hệ không cần "mảnh đất cắm dùi"
Một xu hướng nổi bật của thế hệ Millennial-Z mà TS. Thành chỉ ra là họ không cần “mảnh đất cắm dùi” như tư duy ngàn đời của cha ông. Vì tư duy này, căn hộ từng không được xem trọng bằng đất nền, nhưng hiện nay giá mỗi mét vuông căn hộ đã lên tới vài nghìn USD.
"Thế hệ Millennial-Z thích bay nhảy, tự do, “Tây” hoá hơn nên không còn có xu hướng nhất định phải sở hữu nhà, đất. Thay vì ở kiên cố thì thuê, thay vì mua nhà để kinh doanh thì thuê nhà kinh doanh. Nếu có tiền, không chỉ bất động sản mà họ có rất nhiều sự lựa chọn đầu tư, mỗi lựa chọn sẽ có chi phí và lợi ích khác nhau", TS. Thành cho biết.
Đất nền và căn hộ chung cư là 2 phân khúc được đặt lên bàn cân so sánh để thể hiện sự giao thời, giao thoa giữa các thế hệ. Nhìn lại thị trường bất động sản Việt Nam năm 2022, giai đoạn đầu năm hầu hết các phân khúc đều “sốt giá”, đặc biệt là đất nền, biệt thự, nhà ở gắn liền với đất. Giá của các phân khúc này tăng tới 100-200%, trong khi những phân khúc khác tuy có tăng nhưng chỉ khoảng 20-30%.
Sang quý III, một vài phân khúc nhất định có dấu hiệu đóng băng. Giá đất nền và nhà ở trên đất giảm mạnh, số lượng giao dịch cũng rất thấp. Tuy nhiên, giá phân khúc nhà chung cư lại tiếp tục tăng đều đặn bất chấp thị trường khó khăn.
"Nhìn chung, căn hộ chung cư đã chiếm nhiều ưu thế hơn, bởi giá trị ở mức vừa phải và nhu cầu xã hội đang rất nhiều nhưng nguồn cung chưa thể đáp ứng hết", TS. Thành nhận định.
Ông cũng đánh giá tâm lý tiêu dùng chung hiện nay là muốn chỗ ở tiện nghi, gần chỗ làm, tích hợp nhiều dịch vụ tiện ích, an toàn.
"Theo tốc độ tăng trưởng, đô thị hoá tại Việt Nam, tâm lý hành vi sẽ thay đổi ngày càng mạnh mẽ hơn. Sự giao thoa về lối sống, cách sống giữa các thế hệ sẽ bớt đi, thay vào đó là đồng điệu hơn. Gen Y với Gen Z gần nhau không còn tách biệt quá xa. Vì thế, những tập đoàn dù lớn hay nhỏ, những người làm ăn bền bỉ phải tính đến những xu hướng ấy", chuyên gia kết luận.