Trong ngày 6 và sáng 7-1, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp và các ngành chuyên môn liên tục đến hiện trường để nắm tình hình và chỉ đạo công tác đưa thi thể bé trai lọt vào trụ bê-tông sâu 35m lên mặt đất.
Theo ghi nhận tại hiện trường, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn, an ninh vẫn tiếp tục khẩn trương làm việc.
Lực lượng làm nhiệm vụ tại hiện trường
Sau khi đánh giá, thảo luận, các chuyên gia tại hiện trường đã đề xuất một số phương án khả thi để kéo trụ bê-tông lên mặt đất. Phương án dự kiến được các chuyên gia đồng thuận nhất là sử dụng kết hợp giữa cọc ván thép và ống vách thép trong quá trình làm sạch đất xung quanh trụ bê-tông.
Theo phương án kết hợp này, cọc ván thép sẽ được đóng xung quanh trụ bê-tông tạo thành một bộ khung 4,8m x 4,8m, đất xung quanh trụ được lấy lên bằng gàu xúc (tạm gọi là tầng 1).
Từ đáy tầng 1, dùng ống vách thép đường kính 1,6m đóng xuống đến khi đạt độ sâu của đáy trụ bê-tông (tạm gọi là tầng 2) và sau đó đất xung quanh trụ bê-tông được lấy lên bằng khoan guồng xoắn. Sau khi tiếp cận đáy trụ bê-tông sẽ dùng hệ thống cáp và cần cẩu nhấc trụ bê-tông lên.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cùng lực lượng cứu hộ, cứu nạn làm việc xuyên đêm. Tuy nhiên, do địa chất công trình tầng lớp dưới đất sét cứng, cọc đóng sâu 35m; đồng thời hiện trường nằm sâu trong đồng ruộng nên việc di chuyển thiết bị máy móc cứu hộ gặp nhiều khó khăn.
Công nhân Hoàng Anh Việt, người tham gia đóng trụ bê-tông mố cầu Rọc Sen, cho biết: "Địa chất tại khu vực này rất cứng. Khi đóng trụ bê-tông từ độ sâu 10m trở xuống sẽ gặp tầng đất sét cứng. So với các công trình ở nơi khác thì địa chất ở đây cứng hơn".
Như đã thông tin, vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 31-12-2022, một nhóm trẻ em độ tuổi từ 11 đến 12 đi vào công trường và được nhân viên bảo vệ phát hiện, đuổi ra. Tuy nhiên, đến khoảng 11 giờ 50 phút, khi công nhân đang nghỉ trưa thì nhóm trẻ này lại vào công trường phía mố MA không rõ mục đích. Đến 11 giờ 55 phút, bé Thái Lý Hạo Nam (SN 2012; ngụ xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Thap lọt vào trong lòng trụ bê-tông D500 tại mố MA (trụ C1-MA) có đường kính ngoài 50 cm, đường kính trong 25 cm. Tại thời điểm xảy ra sự cố, công trường ngừng làm việc và công nhân đang nghỉ trưa. Trước thời điểm đó, công trình vẫn hoạt động thi công bình thường. Ngay sau khi phát hiện, lập tức Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu – Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Tháp; Sở GTVT; Ban Quản lý dự án; tư vấn giám sát; nhà thầu thi công; chính quyền địa phương, lực lượng y tế và các lực lượng cứu hộ khác đến hiện trường. Đơn vị thi công đã dùng các bình ôxy có tại công trình bơm vào lòng trụ bê-tông; đồng thời sử dụng tất cả các thiết bị chuyên dùng để phá vỡ kết cấu chặt của lớp địa chất làm giảm ma sát xung quanh thành trụ để có thể rút trụ lên. Quá trình giải cứu bé Hạo Nam, yếu tố cản trở quá trình cứu nạn là do ảnh hưởng về địa chất địa tầng, thiết bị được vận chuyển từ nơi xa đến nên lực lượng chức năng không thể chủ động được, phải thay đổi nhiều phương án cứu hộ. Đây là lý do chậm rút trụ bê-tông lên theo như dự tính trước đó. Đến tối 4-1, ông Đoàn Tấn Bửu xác nhận bé Hạo Nam đã tử vong. "Việc xác định bé tử vong là do các bằng cớ, các hội ý của các đơn vị pháp y đến hiện trường quan sát, đánh giá tiên lượng, dựa vào các tính chất liên quan đến chấn thương, thông khí, các điều kiện bảo tồn sự sống nên đã có biên bản pháp y thông báo cho gia đình tiên lượng xấu, sau đó tử vong" – ông Bửu nói. |