Tháng 10/2020, ông Nguyễn Bá Dương đã từ nhiệm vị trí Chủ tịch Coteccons sau những xung đột nội bộ kéo dài nhiều năm. Cùng sự rời đi của người sáng lập, các công thần của Coteccons cũng lần lượt dứt áo khỏi Coteccons.
Bến đỗ mới của rất nhiều nhân sự nhiều năm công tác tại doanh nghiệp xây dựng lớn nhất cả nước chính là nhóm doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái xây dựng mới do ông Nguyễn Bá Dương tạo dựng.
Từ khi ông Dương cùng nhiều cộng sự rời Coteccons, thị phần ngành xây dựng đã được chia lại. Trong đó, nhóm các công ty gồm SOL E&C, Newtecons, Ricons, BM Windows, Boho Décor, DB hiện diện nhiều hơn tại các công trình quy mô lớn.
Doanh nghiệp đầu tiên phải nhắc đến đó là CTCP Đầu tư Xây dựng Newtecons, tiền thân là F.D.C thành lập năm 2003 và được đổi tên thành Newtecons khi tranh chấp nội bộ Coteccons căng thẳng.
Kết quả doanh thu của Newtecons tăng trưởng nhanh chóng, từ chưa tới 50 tỷ đồng năm 2014, sau 8 năm đã chạm mốc 10.000 tỷ đồng năm 2022.
Newtecons có tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân trên 50% mỗi năm. Đặc biệt, năm 2019, trong khi doanh thu của Coteccons giảm 17% thì Newteccons ghi nhận mức tăng trưởng 19%, đạt hơn 4.000 tỉ đồng.
Nếu như F.D.C (tiền thân của Newtecons) trước đây vốn chỉ làm những công trình nhỏ, chủ yếu đi theo Coteccons tại các công trình lớn thì Newtecons gần đây đã liên tục công bố trúng thầu nhiều dự án lớn.
Trong đó, Newtecons đã thế chân Coteccons làm nhà thầu tại loạt dự án của Masterise từ khu Ba Son đến Spirit of Saigon, TP HCM.
Doanh thu và doanh số trúng thầu của Newtecons liên tục tăng trong những năm gần đây một phần nhờ dàn nhân sự nhiều năm làm việc dưới thời ông Nguyễn Bá Dương từ Coteccons chuyển về.
CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons, cái tên gây tranh cãi lớn nhất, dẫn đến sự tan rã của Coteccons và sự ra đi của ông Nguyễn Bá Dương cũng có doanh thu tăng trưởng mạnh. Đầu năm 2022, Ricons công bố trúng thầu nhiều dự án với tổng gái trị hơn 6.000 tỷ đồng, Novaworld Phan Thiết, Nhà máy sản xuất sợi Brotex Việt Nam, Celadon City,…
Cuối năm ngoái, Ricons cho biết đã thực hiện 45 dự án quy mô lớn trải dài từ Bắc vào Nam và hoàn thành, bàn giao một số dự án cho phía chủ đầu tư.
Trong bối cảnh nhóm xây dựng dân dụng tiếp tục gặp thách thức khi các dự án bất động sản thương mại bị tạm ngừng thi công, hoãn triển khai dự án rất nhiều, Ricons đã hoàn thành kế hoạch doanh thu 10.000 tỷ đồng năm 2022, gấp 6,7 lần con số 1.400 tỷ đồng cách đây 10 năm.
Một doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương trong lĩnh vực xây dựng công nghiệp là CTCP Đầu tư Xây dựng SOL E&C, doanh nghiệp được tách ra từ khối thi công chống thấm thuộc F.D.C (tiền thân Newtecons) với tên gọi ban đầu là S.M.A.R.T.
Năm 2022, SOL E&C cho biết là được chủ đầu tư trong và ngoài nước giao triển khai hàng loạt dự án nhà máy, nhà xưởng quy mô. Nhiều công trình đã được bàn giao như Nhà máy của John-Richard tại Việt Nam, Swan Smart Logistics Long An của Tập đoàn Cainiao, Khu nhà máy và khu sinh hoạt của Huafu (thuộc Cụm công nghiệp dệt sợi 50 ha tại Long An),….
Ngoài ra, năm nay, Newtecons và SOL E&C đã trúng thầu dự án Hạng mục nhà máy sản xuất của tập đoàn Techtronics Tools Industries (TTI) tại Việt Nam.
Ước tính doanh thu năm 2022 của SOL E&C gần 4.500 tỷ đồng, tăng trưởng gấp 3 lần so với năm 2021. So với kế hoạch cả năm là 5.000 tỷ đồng doanh thu, công ty đã thực hiện được 90%.
SOL E&C cho biết, cùng với các công ty Newtecons, Ricons, BM Windows, Boho Décor, DB, SOL&E&C đã tạo nên doanh thu hơn 1 tỷ USD cho hệ sinh thái. Trong đó, Newtecons và Ricons vừa công bố đã cán mốc doanh thu 10.000 tỷ đồng.
Trong khi đế chế mới của ông Nguyễn Bá Dương liên tục tăng trưởng thì Coteccons lại đang thụt lùi kể từ khi về tay chủ mới cả về doanh thu lẫn lợi nhuận. Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vốn được kỳ vọng sẽ kế thừa vị trí số một trong ngành hiện đang phải đối mặt với vấn đề căng thẳng nội bộ không kém Coteccons gần ba năm trước.