Tài chính

Khi người gửi tiền phải trầm tư

Ngân hàng đã hết thuốc chữa bệnh ngại vay tiền, phải cần biện pháp khác từ các bộ ngành - Ảnh: T.L.

Ngân hàng đã hết thuốc chữa bệnh ngại vay tiền, phải cần biện pháp khác từ các bộ ngành - Ảnh: T.L.

Ngặt nỗi, lãi suất đã giảm, nhu cầu vốn vẫn yếu. Tiền gửi vẫn tiếp tục đổ vào và vốn vẫn đóng băng ở ngân hàng. Lúc này, người gửi tiền bắt đầu có "tâm trạng". Nhiều người trầm ngâm khi sổ tiết kiệm đáo hạn, phải chuyển sang mức lãi suất mới quá thấp.

Hàng chục triệu người gửi tiền giảm thu nhập, không còn nhiều tiền để tiêu xài như trước. Vốn rẻ rồi, vậy mà vẫn ít người vay!

Tiền không quay vòng mà cứ lũ lượt đổ vào ngân hàng, cho thấy sản xuất - kinh doanh đang hụt hơi. Đúng ra, với một nền kinh tế có mức tăng trưởng khá cao như Việt Nam, nhiều người cần vay vốn làm ăn, lãi suất phải nhích lên chứ không thể đi xuống. Còn đằng này...!

Nguyên nhân của căn bệnh thừa tiền đã rõ: do nhu cầu của cả trong và ngoài nước đều yếu; người ra kinh doanh ít đi, ai cũng nghĩ vay tiền mở rộng làm ăn trong bối cảnh sức mua yếu thế này thì lấy gì trả nợ...

Cầu tín dụng yếu thì thứ gì cũng yếu, yếu dây chuyền, từ giá cả - sức mua đến vay đầu tư, vay ngắn hạn sản xuất kinh doanh, thậm chí cả vay tiêu dùng cũng yếu. Có thể thấy tình trạng yếu dây chuyền ở thị trường bất động sản, nhìn từ vay tiêu dùng đang èo uột.

Những ngày qua, mặc dù các nhà phát triển bất động sản đang truyền đi thông điệp thị trường sẽ ấm lên nhờ lãi suất giảm sâu, nhưng vay tiêu dùng, chủ yếu để mua - xây - sửa nhà và căn hộ, vẫn yếu thì không có cách gì để thị trường bất động sản ấm lên được.

Mà doanh nghiệp bất động sản không bán được hàng thì doanh nghiệp xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng cũng yếu theo. Yếu dây chuyền là thế.

Khi đã rõ nguồn cơn gây ra vốn ế, để đưa vốn ra khỏi ngân hàng, không chỉ trông vào lời kêu gọi chung chung "ngân hàng phải tiết giảm chi phí để giảm lãi suất" nữa. Ngân hàng vẫn phải đơn giản hóa thủ tục nhưng cũng không thể hạ quá thấp - nguyên nhân gây ra nợ xấu.

Lãi suất giảm sâu, vốn vẫn đọng cũng là lời kết: ngân hàng đã hết thuốc chữa bệnh ngại vay tiền, phải cần biện pháp khác từ các bộ ngành. Xem ra chữa bệnh vốn ế lắm khi còn khó xử lý hơn khi nhu cầu về vốn cao, lãi suất tăng nóng. Vậy liều thuốc trị bệnh thừa tiền đến từ đâu?

Chúng ta không thể kích cầu tiêu dùng với hàng xuất khẩu, với người tiêu dùng trên thế giới. Cách tốt nhất là kích cầu tiêu dùng trong nội địa, như tăng cường đầu tư công, mở rộng cho vay nhà ở xã hội, thúc vay tiêu dùng...

Liệu chúng ta đã làm tốt, triệt để? Có lẽ chưa. Như kênh dẫn vốn khá quan trọng là tín dụng tiêu dùng vẫn chưa "sung" như trước. Người dân vẫn ngại vay tiền, thị trường bất động sản chưa khởi sắc vì dự án vướng pháp lý vẫn chậm được tháo gỡ.

Nhiều tháng trước, cả xã hội đã chứng kiến "cao điểm" gỡ khó pháp lý cho dự án bất động sản. Nhưng mới đây, các doanh nghiệp và ngân hàng kêu "vẫn vướng". Mà dự án kẹt pháp lý, ai dám vay tiền ngân hàng để góp vốn!

Người mua chưa chịu vay tiền để góp cho chủ đầu tư, "yếu dây chuyền" lại diễn ra. Hay như các dự án nhà ở xã hội, vốn vẫn chờ người vay...

Chúng ta chưa chắt chiu từng cơ hội đưa tiền ra khỏi ngân hàng. Không gian để tín dụng ngân hàng bung ra vẫn bí bách, trong khi ngân hàng đã hết thuốc thúc tín dụng. Cứ đà này, người gửi tiền còn trầm tư dài dài...

Cùng chuyên mục

Đọc thêm