Công nghệ

Hàng tỷ USD bắt đầu chảy vào các nhà máy chip tại Mỹ

Theo WSJ, Bộ Thương mại Mỹ vừa khởi động loạt hoạt động, trợ cấp tiền mặt cho các dự án sản xuất bán dẫn ở bang Arizona, Texas, New York và Ohio những tuần tới. Ngày 19/2, GlobalFoundries là công ty đầu tiên nhận được 1,5 tỷ USD từ chính phủ để mở rộng nhà máy tại New York và Vermont. Các hãng khác như Samsung, TSMC, Intel, Micron đều đã nộp đơn xin hỗ trợ hàng tỷ USD.

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris cho biết: "Việc sản xuất chip tiên tiến trong nước sẽ giúp Mỹ ổn định chuỗi cung ứng ngành công nghiệp ôtô và hàng không vũ trụ. Đây là những ngành vẫn phụ thuộc vào chip sản xuất ở nước ngoài".

Bên trong một nhà máy sản xuất chip ở Oregon, Mỹ. Ảnh: Intel

Bên trong một nhà máy sản xuất chip ở Oregon, Mỹ. Ảnh: Intel

Các khoản tài trợ của chính phủ được xét duyệt thông qua nhiều bước, trong nhiều tháng và giải ngân theo tiến độ xây dựng nhà máy. Nguồn tiền được trích từ Đạo luật Chips trị giá 53 tỷ USD được chính quyền Tổng thống Biden công bố năm 2022.

Mỹ muốn hồi phục ngành công nghiệp bán dẫn khi thị phần sản xuất chip trên toàn cầu giảm xuống còn 12% trong năm 2020, thấp hơn nhiều so với mức 37% năm 1990. Theo các chuyên gia, chip đang trở thành nguồn tài nguyên quan trọng, có ý nghĩa chiến lược trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng, tương tự dầu mỏ.

WSJ dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo: "Trong đại dịch, chúng ta phải đối mặt với tình trạng thiếu chip, dẫn đến việc đóng cửa, sa thải hàng nghìn người Mỹ làm việc tại các cơ sở sản xuất ôtô. Đạo luật Chips sẽ đảm bảo điều này không xảy ra nữa".

Việc chính quyền Tổng thống Biden bắt đầu rót tiền diễn ra trong bối cảnh ngành chip đang tìm cách phục hồi sau thời kỳ suy thoái kéo dài. Một số nhà sản xuất lớn như TSMC và Intel đã giảm tốc độ xây dựng nhà máy so với kế hoạch ban đầu.

Đầu năm nay, TSMC cho biết nhà máy trị giá 40 tỷ USD ở Arizona bị hoãn thêm hai năm, thay vì đi vào hoạt động vào 2026 như dự định. Trong khi đó, Intel cũng dự định lùi lịch vận hành nhà máy 20 tỷ USD ở Ohio đến cuối 2026 thay vì năm sau.

Reuters dẫn lời đại diện Intel cho biết họ vẫn "cam kết hoàn thành dự án, việc xây dựng vẫn đang tiếp tục". Tuy nhiên, việc thay đổi các mốc thời gian đối với những dự án quy mô lớn là điều có thể xảy ra. "Quyết định của chúng tôi dựa trên điều kiện kinh doanh, động lực thị trường", đại diện Intel nói.

Theo Bộ Thương mại, việc rót hàng tỷ USD vào các nhà máy như GlobalFoundries sẽ giúp các công ty tăng công suất sản đáng kể trong bối cảnh các ngành quan trọng như viễn thông, xe điện bị thiếu chip trầm trọng. Ngoài khoản đầu tư 1,5 tỷ USD không hoàn lại, Mỹ còn cho GlobalFoundries vay 1,6 tỷ USD. Dự án mở rộng nhà máy có thể tạo thêm 9.000 việc làm trong lĩnh vực xây dựng và 1.500 việc làm trong lĩnh vực sản xuất.

Các lãnh đạo trong ngành chip cho biết họ đang mong chờ những đợt giải ngân lớn hơn sẽ được ông Biden phát biểu trong Thông điệp Liên bang hôm 7/3.

Ngoài thúc đẩy sản xuất chip trong nước, Mỹ còn tìm cách hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong ngành bằng cách áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ hơn. Đầu năm nay, Mỹ yêu cầu các công ty kinh doanh dịch vụ đám mây trong nước phải báo cáo cho cơ quan chức năng mỗi khi phát hiện thực thể ngoài nước Mỹ dùng đám mây để đào tạo mô hình ngôn ngữ lớn (LLM). SCMP đánh giá đây là dấu hiệu cho thấy cuộc chiến công nghệ giữa Washington và Bắc Kinh đã bước vào mặt trận mới.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm