Phiếu khảo sát đánh giá sự hài lòng của người nộp thuế đối với sự phục vụ của Cục Thuế TP Hà Nội nhưng sao lại bắt buộc kê khai mã số thuế doanh nghiệp? Doanh nghiệp có bị làm khó nếu đánh giá "không hài lòng"?
Không dám đánh giá "không hài lòng"
Những thắc mắc trên được bạn đọc Hồng Nguyễn phản ánh đến Tuổi Trẻ Online:
Ngày 16-8-2024, doanh nghiệp tôi nhận được email từ phòng thanh kiểm tra của cơ quan thuế Hà Nội về triển khai đánh giá sự hài lòng của người nộp thuế đối với sự phục vụ của cơ quan thuế.
Email viết: "Việc đánh giá sự hài lòng của người nộp thuế là nội dung có ý nghĩa rất quan trọng, để ngành thuế nhìn nhận các kết quả trong công tác cải cách, hiện đại hóa, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong công tác hỗ trợ người nộp thuế.
Đồng thời đây cũng là cơ sở để ngành thuế điều chỉnh, bổ sung các giải pháp kịp thời hướng tới thực hiện thành công kế hoạch cải cách hệ thống quản lý thuế đến năm 2025".
Theo tôi, mục đích của bảng đánh giá có ý nghĩa thiết thực cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Thế nhưng mở mẫu đánh giá ra, dòng đầu tiên đã thấy yêu cầu nhập mã số thuế của doanh nghiệp.
Cần biết rằng mã số thuế của doanh nghiệp có giá trị như số căn cước công dân của một cá nhân. Vậy nên việc nhập mã số thuế doanh nghiệp là đã tự khai rõ về nhân thân của doanh nghiệp đó.
Chẳng cần phải là cán bộ thuế, mà chỉ cần vào một số website chuyên ngành hay phần mềm xuất hóa đơn thuế của các doanh nghiệp, nhập mã số này là đã tra ra được tất cả thông tin đăng ký của doanh nghiệp đó.
Và mỗi doanh nghiệp đều có một cán bộ thuế chuyên trách.
Nếu doanh nghiệp dám chọn nút "Không hài lòng" với các dịch vụ của cơ quan thuế, điều này có thể dẫn tới cách hiểu là "Không hài lòng" với các cán bộ thuế đã và đang phụ trách doanh nghiệp mình.
Bởi vậy, tôi nghĩ rằng hiếm doanh nghiệp nào dám nói thẳng nói thật qua bảng khảo sát này.
Mẫu đánh giá này và những nỗ lực khác của Cục Thuế TP Hà Nội rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên nếu thực sự cầu thị và muốn ghi nhận được những ý kiến đánh giá khách quan, trung thực, cơ quan thuế Hà Nội nên bỏ yêu cầu doanh nghiệp phải nhập mã số thuế.
Nếu không, có lẽ cuối cùng sẽ có những con số thống kê kiểu như "100% doanh nghiệp tham gia khảo sát đều cho biết họ rất hài lòng, hoặc hài lòng...".
Cơ quan thuế nói gì?
Về những phản ánh trên của bạn đọc, ngày 20-8, Tuổi Trẻ Online đã có thư đề nghị Cục Thuế TP Hà Nội trao đổi về mục đích của việc Cục Thuế TP Hà Nội gửi thư lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, người nộp thuế.
Trong đó, việc yêu cầu doanh nghiệp trả lời phải ghi mã số thuế trong phiếu góp ý có cần thiết?
Doanh nghiệp đề xuất phiếu lấy ý kiến cần bãi bỏ thông tin lộ danh tính của doanh nghiệp (như mã số thuế) để góp ý thực chất nhất. Quan điểm của Cục Thuế TP Hà Nội về đề xuất này như thế nào?
Ngày 30-8, trả lời Tuổi Trẻ Online, Cục Thuế Hà Nội cho biết đây là mẫu phiếu đánh giá của Tổng cục Thuế.
Trước đó, Tổng cục Thuế có công văn gửi các cục thuế về việc triển khai đánh giá sự hài lòng của người nộp thuế đối với sự phục vụ của cơ quan thuế. Trong đó có hướng dẫn các cục thuế triển khai công tác đánh giá sự hài lòng của người nộp thuế trong năm 2024.
Cụ thể các cục thuế thông báo việc triển khai lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người nộp thuế đối với sự phục vụ của cơ quan thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên website của cục thuế.
Đồng thời thực hiện theo mẫu phiếu đánh giá của người nộp thuế đối với sự phục vụ của cơ quan thuế các cấp và phương pháp đánh giá hài lòng của người nộp thuế tại phụ lục 1, 2 đính kèm công văn.
Thực hiện theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế, Cục Thuế TP Hà Nội đã có thư gửi người nộp thuế về triển khai đánh giá sự hài lòng của người nộp thuế đối với sự phục vụ của cơ quan thuế trên website; hướng dẫn người nộp thuế truy cập vào đường dẫn hoặc quét mã QR Code để thực hiện cho ý kiến đánh giá đối với sự phục vụ của cơ quan thuế triển khai theo mẫu phiếu đánh giá của Tổng cục Thuế.