Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones kết phiên giảm 626,15 điểm, tương đương 1,51%, về mức 40.936,93 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,12%, chốt phiên ở mức 5.528,93 điểm. Trong khi đó, Nasdaq Composite giảm 3,26% và dừng ở mức 17.136,30 điểm. Cả ba chỉ số đều ghi nhận ngày tệ nhất kể từ đợt bán tháo toàn cầu vào ngày 5/8.
Cổ phiếu chip đè nặng lên thị trường. Cụ thể, cổ phiếu của Nvidia sụt giảm hơn 9%. Micron, KLA và Advanced Micro Devices cũng ghi nhận mức giảm trong phiên giao dịch. Trong khi đó, quỹ VanEck Semiconductor ETF giảm hơn 7%.
Nhìn chung, lĩnh vực công nghệ thông tin của S&P 500 giảm nhiều nhất và đã có ngày tệ nhất kể từ tháng 9 năm 2022.
Ban đầu, thị trường giảm nhẹ vào sáng 3/9, vì số liệu đo lường hoạt động sản xuất tại các nhà máy Mỹ cho thấy sự suy yếu. Viện Quản lý Cung ứng báo cáo chỉ số ISM đạt 47,2%, thấp hơn dự đoán của Dow Jones là 47,9%.
Dữ liệu này đã làm dấy lên lo ngại rằng tăng trưởng trong nền kinh tế Mỹ chậm lại, góp phần khiến thị trường sụt giảm.
Chiến lược gia trưởng về kỹ thuật Larry Tentarelli tại Blue Chip Trend Report cho biết: “Thị trường hiện tại có vẻ rất nhạy cảm với mọi dữ liệu mới được đưa ra. Chúng ta đã trở thành một thị trường phụ thuộc rất nhiều vào dữ liệu”.
Biến động trong ngày 3/9 mở đầu tháng giao dịch mới, vì thị trường Mỹ đóng cửa vào ngày thứ Hai để nghỉ Lễ Lao động (Labor Day). Cả ba chỉ số chính tăng trong tháng 8. Nhưng các chuyên gia đánh giá thị trường chưa chắc có thể duy trì phong độ trong tháng 9.
Mối lo ngại về nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, cùng với sự thoái trào của giao dịch chênh lệch lãi suất đồng yên Nhật, đã khiến cổ phiếu lao dốc vào đầu tháng 8. Có thời điểm, S&P 500 đã giảm hơn 7% trong tháng rồi mới phục hồi.
Biến động mới nhất diễn ra trước khi báo cáo việc làm tháng 8 được công bố vào ngày 6/9. Phố Wall cũng sẽ phải đối mặt với những trở ngại theo mùa, vì tháng 9 là tháng tệ nhất đối với S&P 500 trong 10 năm qua.
Theo CNBC