Theo dữ liệu thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE), giá trị rút ròng của khối ngoại trên sàn giảm xuống còn 3.611 tỷ đồng trong tháng 8 vừa qua, thấp hơn đáng kể mức 8.376 tỷ đồng tháng trước. Lực bán tập trung tại cổ phiếu niêm yết với 3.279 tỷ đồng, trong khi ETF nội ghi nhận giá trị 332 tỷ đồng.
Còn trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), nhà đầu tư nước ngoài có tháng bán ròng thứ hai, nâng giá trị rút từ 110 tỷ đồng lên 228 tỷ đồng. Trạng thái đối lập, khối này duy trì mua dù thu hẹp quy mô từ 199 tỷ đồng xuống 65 tỷ đồng trên thị trường UPCoM.
Lũy kế từ đầu năm, nhà đầu tư ngoại rút 64.059 tỷ đồng khỏi sàn HOSE, 959 tỷ đồng khỏi thị trường UPCoM trong khi mua 300 tỷ đồng với cổ phiếu niêm yết trên HNX.
Tổng cộng, dòng tiền ngoại rút 64.718 tỷ đồng khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam sau 8 tháng. Quy mô này đã vượt qua mức kỷ lục ghi nhận trước đó là 62.538 tỷ đồng trong năm 2021. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng nổ, quy mô rút ròng từ ngoại khối lên tới 140.405 tỷ đồng. Ngoại trừ việc mua vào 29.140 tỷ đồng năm 2022, nhóm này tạo áp lực bán trong phần lớn thời gian.
Cường độ bán gia tăng khi chứng khoán Việt Nam khởi sắc trong năm 2024. Song, điểm tích cực là quy mô rút ròng đã giảm sâu khi giá trị bán vươn lên mức đỉnh điểm gần 36.000 tỷ đồng trong hai tháng 5 và 6 vừa qua.
Theo dõi giao dịch theo từng cổ phiếu thu hút giao dịch của khối ngoại trong 8 tháng qua, bluechip nhộn nhịp ở cả hai chiều mua và bán. Tính riêng trong rổ VN30, giá trị rút ròng kể từ đầu năm là hơn 45.400 tỷ đồng.
Trong đó, VHM của Vinhomes bị bán mạnh nhất với 15.427 tỷ đồng, kế đến là VRE (4.884 tỷ đồng). Một mã khác thuộc “họ Vin” là VIC cũng bị bán ròng 3.257 tỷ đồng. Đồng nghĩa, gần 1 tỷ USD tiền ngoại đã rút khỏi ba mã chứng khoán trên.
Cổ phiếu FPT tăng mạnh theo sóng công nghệ và liên tiếp thiết lập mức đỉnh lịch sử, do đó nhà đầu tư ngoại chốt lời mạnh (hơn 3.800 tỷ đồng). Hiện tượng “hở room” hiếm gặp với FPT giai đoạn trước đó nhưng đã kéo dài trong nhiều tháng gần đây. Không riêng FPT, khi CMG dậy sóng, mã này cũng bị bán hơn 330 tỷ đồng.
Nhà đầu tư ngoại còn rút ròng khỏi hai mã đại diện ngành F&B là MSN (3.503 tỷ đồng) và VNM (3.261 tỷ đồng). SAB bị bán ròng nhẹ hơn (838 tỷ đồng).
Với nhóm ngân hàng, VPB dẫn đầu (3.071 tỷ đồng), kế đến là TCB (2.943 tỷ đồng), LPB (1.157 tỷ đồng), CTG (990 tỷ đồng), SHB (855 tỷ đồng). Hai cổ phiếu tiêu biểu của ngành thép là HPG và HSG có giá trị bán lần lượt 2.899 tỷ đồng và 1.061 tỷ đồng.
Ở ngành chứng khoán, ngoại khối tập trung xả VND của VNDirect (2.501 tỷ đồng), trong khi SSI thấp hơn đáng kể (773 tỷ đồng).
Hai cổ phiếu đại diện ngành hàng không là VJC và HVN ở trạng thái đối lập. VJC bị xả 2.316 tỷ đồng, chiều ngược lại HVN được mua 643 tỷ đồng. Kể từ đầu năm nay, Pyn Elite Fund (Phần Lan) là tổ chức ưa thích giao dịch mã HVN.
Cùng chiều, cổ phiếu chịu áp lực bán nghìn tỷ đồng còn có hai mã dầu khí là PVD (1.575 tỷ đồng) và GAS (1.412 tỷ đồng). Ngược lại, PLX được mua gần 603 tỷ đồng.
Giao dịch sản phẩm chứng chỉ quỹ ETF nội, nhà đầu tư ngoại đẩy mạnh xả mã thuộc Quản lý quỹ Dragon Capital là DCVFM VN Diamond ETF (7.700 tỷ đồng), theo sau là SSIAM VNFin Lead ETF (2.112 tỷ đồng).
Ở chiều mua vào, ba cổ phiếu ghi nhận giá trị nghìn tỷ có MBB (2.478 tỷ đồng), MWG (2.065 tỷ đồng), NLG (1.005 tỷ đồng). Nhóm được mua trong khoảng 500 - 1.000 tỷ đồng có HVN, PLX, KDH, DBC, STB, KDC, PC1 và FRT. Hoạt động mua vào của ngoại khối còn xuất hiện tại HCM, SIP, ASM, SGN, EIB, PNJ với giá trị 300 - 500 tỷ đồng.
Thống kê trên cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam đã chịu áp lực bán rất lớn từ nhà đầu tư ngoại trong 8 tháng qua. Đây không phải là xu hướng riêng của thị trường trong nước khi tiền ngoại ồ ạt rút ra khỏi thị trường cân biên, mới nổi và điểm đến là những thị trường phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc).
Trong những tháng còn lại của năm nay, sự kỳ vọng tiền ngoại đảo chiều được đặt vào chính sách cho phép nhà đầu tư ngoại không phải ký quỹ trước giao dịch (prefunding).
“Nếu thay đổi này được áp dụng, FTSE Russell có thể sẽ nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi. Việc nâng hạng cùng với bỏ qua ký quỹ trước giao dịch khi mua bán cổ phiếu sẽ khiến Việt Nam trở thành một thị trường hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Petri Deryng, nhà quản lý quỹ của Pyn Elite Fund