Kinh doanh

Khách quốc tế đến Việt Nam cao nhất từ trước đến nay, khách Trung Quốc dẫn đầu

Tóm tắt:
  • Tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong quý I đạt trên 6 triệu lượt, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước.
  • Trong tháng 3, lượng khách quốc tế đạt trên 2 triệu lượt, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm trước.
  • Trung Quốc dẫn đầu thị trường du lịch với gần 1,6 triệu lượt khách, chiếm 47% tổng số khách.
  • Các thị trường châu Âu ghi nhận tăng trưởng tốt nhờ chính sách miễn visa, như Anh tăng 23,5% và Pháp tăng 28,3%.
  • Ngành du lịch dự kiến đạt mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay với đà tăng trưởng hiện tại.

Tổng cục Thống kê cho biết trong tháng 3, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 2 triệu lượt, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tiếp nối đà hồi phục 98% của năm 2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong quý I đạt trên 6 triệu lượt, tăng 134% so với cùng kỳ 2019. Đây cũng là số lượng khách quốc tế trong một quý cao nhất từ trước đến nay.

Trong đó, về quy mô thị trường, trong 10 thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam, Trung Quốc vẫn dẫn đầu với tổng lượng khách trong 3 tháng đầu năm lên tới gần 1,6 triệu lượt. Hàn Quốc xếp ở vị trí thứ hai với 1,26 triệu lượt. Hai thị trường này đóng góp 47% tổng số khách đến Việt Nam.

W-san bay Noi Bai_12.jpg
 Tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong quý I đạt trên 6 triệu lượt, cao nhất từ trước đến nay. Ảnh: Hoàng Hà

Tiếp theo đó là thị trường Đài Loan (Trung Quốc) với 331.000 lượt. Thị trường Mỹ xếp thứ 4 với 259.000 lượt. Lần lượt các vị trí sau là thị trường Campuchia (xếp thứ 5 với 234.000 lượt), Nhật Bản (xếp thứ 6 với 226.000 lượt); tiếp đến là Australia, Ấn Độ, Malaysia và Nga.

Đáng lưu ý, động lực tăng trưởng chính đến từ thị trường lớn Trung Quốc với mức tăng 78,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó các thị trường chính khác tăng tích cực: Hàn Quốc tăng 2,2%, Đài Loan (Trung Quốc) tăng 10,2%, Mỹ tăng 11,3%, Nhật Bản tăng 26,3%, Australia tăng 11%, Ấn Độ tăng 23,3%.

Các thị trường gần ở khu vực Đông Nam Á cũng ghi nhận có mức tăng trưởng tốt.

Ngoài ra, các thị trường ở châu Âu, nhất là các thị trường được hưởng chính sách đơn phương miễn thị thực, tiếp tục tăng trưởng hai con số, như Anh tăng 23,5%, Pháp tăng 28,3%, Đức tăng 23,3%, Ý tăng 29%,... Nga tăng mạnh 110,5%.

Bên cạnh đó, thị trường Ba Lan và Thụy Sỹ cũng ghi nhận gia tăng lượng khách, tăng lần lượt gần 539% và 14,1% so với cùng kỳ năm 2024.

Điều đó cho thấy hiệu quả từ việc miễn visa ngắn hạn cho công dân Ba Lan, Séc và Thụy Sỹ từ 1/3 đến 31/12/2025 theo Chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025. Chính sách này được kỳ vọng sẽ tạo động lực thu hút nhiều hơn lượng khách từ 3 thị trường châu Âu này trong năm 2025.

Nhiều công ty lữ hành cho hay lượng khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong quý I, cho thấy sự phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ của khách inbound.

Với đà tăng trưởng như hiện nay, nhiều khả năng ngành du lịch sẽ đạt được mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay.

Các tin khác

Thời tiết miền Bắc những ngày tới

Hôm nay (8/4), khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ có sương mù nhẹ, trời có mưa phùn, mưa nhỏ rải rác, ban ngày nhiều mây, ít mưa. Dự báo hình thái thời tiết này còn duy trì ở miền Bắc đến ngày 11/4.

Tổng Bí thư Tô Lâm cử Đặc phái viên sang Mỹ đàm phán thuế quan

Tiếp Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E. Knapper, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn tái khẳng định những thông điệp lớn của Tổng Bí thư Tô Lâm: Việt Nam sẵn sàng đàm phán nhằm đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa Mỹ, tăng cường mua sắm các mặt hàng Mỹ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu... Tổng Bí thư Tô Lâm đã cử Đặc phái viên, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc tới Mỹ.

"Để đạt tăng trưởng cả năm trên 8% quý II, III và IV phải tăng 8,2%,8,3% và 8,4%"

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung, để đạt được tăng trưởng trên 8% thì lần lượt quý II, III, và IV là 8,2%; 8,3% và 8,4%. Đây là mục tiêu rất thách thức, song Thủ tướng Chính phủ yêu cầu không thay đổi mục tiêu tăng trưởng và quyết tâm phấn đấu đạt từ 8% trở lên trong năm 2025.

Tin xem nhiều