Tài chính

Thứ trưởng Công Thương thông tin việc ứng phó với thuế đối ứng của Mỹ

Tóm tắt:
  • Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Mỹ để giải quyết vấn đề thương mại còn tồn tại.
  • Mỹ áp thuế 46% với hàng hóa Việt Nam từ 9/4, ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu.
  • Một số mặt hàng chủ lực có nguy cơ giảm kim ngạch xuất khẩu do tăng thuế.
  • Việt Nam sẵn sàng thảo luận về việc giảm mức nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ xuống 0%.
  • Doanh nghiệp cần cập nhật thông tin thị trường và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để thích ứng.

Chiều 6/4, tại họp báo Chính phủ thường kỳ quý I/2025, ông Trương Thanh Hoài, Thứ trưởng Bộ Công Thương thông tin về hoạt động xuất khẩu của Việt Nam khi Mỹ công bố áp mức thuế đối ứng 46% với hàng hoá Việt Nam.

Ông Hoài cho biết, việc Mỹ công bố áp thuế đối ứng 46% với hàng hoá của Việt Nam từ ngày 9/4 có tác động rất lớn đối với hoạt động xuất khẩu cũng như tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, quyết định này tác động trực tiếp đến các ngành chế biến – chế tạo, thu hút FDI, đầu tư trong nước và lĩnh vực dịch vụ… Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như máy tính, sản phẩm linh kiện điện tử, dệt may, da giày… có nguy cơ bị giảm kim ngạch xuất khẩu.

“Khi Mỹ tăng thuế thì giá cả của mặt hàng xuất khẩu Việt Nam tại Mỹ sẽ tăng lên, điều này sẽ ảnh hưởng đến mức độ cạnh tranh với hàng hoá các nước khác. Đồng thời, sức mua của người tiêu dùng Mỹ cũng sẽ suy giảm khiến cho cầu hàng hoá Việt Nam sẽ giảm theo”, ông Hoài nói.

Ông Hoài cũng chỉ ra rằng, với các hợp đồng đã ký kết, bản thân các doanh nghiệp Mỹ cũng sẽ xem xét lại việc có tiếp tục hợp đồng mua bán hàng hoá với Việt Nam hay không.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài phát biểu tại họp báo.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài phát biểu tại họp báo.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng nhắc lại, tối 4/4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm rất thành công với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Chính phủ đã chủ động báo cáo, đề xuất nhiều nội dung và được Bộ Chính trị đồng ý. Bộ Công Thương cũng triển khai hàng loạt các biện pháp tiếp xúc với các cấp khác nhau của Mỹ và làm rõ quan điểm của Việt Nam.

Theo đó, hai bên đều mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác song phương trên diễn biến tổng thể của hai nước. Việt Nam sẵn sàng trao đổi với Mỹ về việc đưa mức nhập khẩu hàng hoá từ Mỹ về mức 0%. Đây là bước đi quan trọng để giải quyết vấn đề thuế quan với Mỹ.

Trong thời gian tới, ông Hoài cho biết Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các bộ ngành liên quan của Mỹ để trao đổi chặt chẽ về những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ đầu tư, thương mại giữa hai nước.

Thứ trưởng cũng cho biết, xuất khẩu trong thời gian tới sẽ gặp nhiều thách thức, do đó các bộ ngành cũng phải phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để thực hiện hiệu quả các biện pháp đề ra.

Trong đó, giải pháp đầu tiên là tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA); đẩy mạnh đa dạng hoá thị trường xuất khẩu như thị trường Trung Đông, Mỹ La tinh…; tăng cường xúc tiến thương mại, cải thiện cơ sở hạ tầng logistics để làm giảm chi phí vận chuyển và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam.

Hỗ trợ nâng cao năng lực của doanh nghiệp sản xuất trong nước, xuất khẩu của Việt Nam nhằm đảm bảo sự thích nghi với thị trường và xu hướng phát triển.

“Chúng ta cần phải có chính sách quyết liệt hơn với ngành công nghiệp chế biến chế tạo, để làm sao thúc đẩy sự gia tăng giá trị trong nước với các sản phẩm công nghiệp, đáp ứng yêu cầu về xuất xứ của các quốc gia”, ông Hoài nói.

Ông Hoài cũng nhấn mạnh, cần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, đảm bảo xử lý sớm và kịp thời những vướng mắc, tranh chấp thương mại, nhằm hạn chế mức thấp nhất về thiệt hại cho doanh nghiệp Việt Nam.

“Mặc dù đối diện nhiều thách thức nhưng chúng ta càng phải cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nhanh, bền vững, tăng tính tự chủ, thúc đẩy đa dạng hoá thị trường”, ông Hoài nói.

Thứ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu doanh nghiệp chủ động cập nhật thông tin thị trường, thường xuyên theo dõi về các chính sách thương mại của các quốc gia để kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp.

Đồng thời, trên cơ sở các FTA Việt Nam đã ký kết, thì cần đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, khai thác hiệu quả các thị trường trọng điểm, thị trường truyền thống cũng như các thị trường nhỏ, thị trường ngách. Đảm bảo tuân thủ các quy tắc xuất xứ trong các FTA, tránh rủi ro liên quan đến gian lận thương mại, tránh việc sử dụng nguyên phụ liệu hàng hoá của nước thứ 3…

Các tin khác

Động lực nào thúc đẩy GDP quý I tăng cao nhất trong 6 năm qua?

GDP quý I năm nay ước tính tăng 6,93% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng cao nhất so với quý I các năm trong giai đoạn 2020-2025. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 9,28%, đóng góp 2,33 điểm phần trăm.

Technical Insights: Đã đến lúc "bắt đáy"?

Sau phiên giảm mạnh nhất lịch sử vào ngày 3/4, thị trường chứng khoán Việt Nam đang rơi vào trạng thái bất ổn. Dù có những tín hiệu tích cực trong phiên 4/4, việc nhà đầu tư có nên "bắt đáy" vào thời điểm này vẫn là một dấu hỏi lớn.