Theo đánh giá từ chuyên gia phân tích của Stockmap, thị trường hiện cần thêm thời gian để ổn định tâm lý, đồng thời nhiều nhóm cổ phiếu như FPT, ngân hàng, thép hay chứng khoán vẫn chưa hội tụ đủ điều kiện để xác lập xu hướng hồi phục rõ ràng. Trong khi đó, nhóm Vingroup là điểm sáng hiếm hoi với tín hiệu kỹ thuật tích cực, còn một số mã khu công nghiệp đang cho thấy đà tăng đã suy yếu.
Ông Võ Long Nhân, Trưởng phòng Phân tích của Stockmap, đánh giá phiên giao dịch ngày 3/4 là một trong những phiên giảm điểm nghiêm trọng nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam.
Đà giảm mạnh lần này chủ yếu xuất phát từ tâm lý lo ngại của nhà đầu tư trước thông tin chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định áp thuế nặng đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam.
Sang phiên 4/4, mặc dù VN-Index vẫn tiếp tục giảm hơn 19 điểm, thị trường đã phần nào cho thấy tín hiệu tích cực hơn khi lực bán suy yếu dần về cuối phiên – hay còn gọi là hiện tượng “rút chân”.
Tuy nhiên, theo quan điểm từ Stockmap, những tín hiệu đó vẫn chưa đủ để đưa ra một quyết định bắt đáy rõ ràng. Thị trường cần thêm thời gian để kiểm chứng xu hướng.
Dự báo trong tuần tiếp theo, bắt đầu từ ngày 8/4, giới đầu tư sẽ tiếp tục theo dõi sát các diễn biến mới để định hình lại kỳ vọng. Trong bối cảnh hiện tại, VN-Index cần có một khoảng thời gian đi ngang để tâm lý thị trường ổn định trở lại. Khi đó, những quyết định mua vào, đặc biệt là chiến lược “bắt đáy”, mới nên được cân nhắc một cách thận trọng.
Bình luận về xu hướng cổ phiếu, ông Võ Long Nhân cho rằng một số mã bluechip có thể mang lại cơ hội, nhưng chưa đạt đến điểm mua an toàn.
Đơn cử như FPT, để một cổ phiếu đang trong xu hướng giảm có thể dừng lại và bắt đầu phục hồi, cần hội tụ một loạt điều kiện. Trong đó, quan trọng nhất là sự thay đổi về hành vi giao dịch: khi người bán không còn muốn bán, người đang bán đã cạn cổ phiếu và lực mua bắt đầu chiếm ưu thế. Chỉ khi những yếu tố đó xuất hiện rõ rệt, nhà đầu tư mới nên cân nhắc hành động.
Tình hình ở nhóm ngân hàng cũng tương tự. Dù có nhiều mã đáng chú ý như ACB, nhà đầu tư vẫn cần quan sát thêm các dấu hiệu dừng giảm về mặt kỹ thuật để hạn chế rủi ro bắt sai đáy.
Ở góc nhìn tích cực hơn, nhóm cổ phiếu thuộc hệ sinh thái Vingroup vẫn đang giữ được xu hướng tăng. VIC là một ví dụ điển hình, khi bật tăng trở lại ở vùng giá 53.000 đồng/cổ phiếu trong phiên cuối tuần. Đây được xem là vùng hỗ trợ kỹ thuật tương đối vững chắc, thể hiện dòng tiền vẫn đang hiện diện ở một số mã lớn.
Ngược lại, những áp lực đang gia tăng ở nhóm khu công nghiệp khiến một số cổ phiếu như BCM có dấu hiệu suy yếu về đà tăng. Lực bán chủ động đang chiếm ưu thế, phản ánh tâm lý chốt lời hoặc thận trọng từ phía nhà đầu tư.
Với ngành thép, HPG đang được đánh giá có mức giá hấp dẫn, tuy nhiên thị trường nói chung vẫn cần thời gian bình tĩnh lại để giảm thiểu rủi ro.