Hiện có 317 bệnh nhân (khoảng 20% bệnh nhân ngoại tỉnh) điều trị nội trú, trong đó có 21 ca phân loại mức độ nặng.
Sở Y tế Đà Nẵng cho biết thêm, trong số bệnh nhân dương tính sởi, 58,6% là trẻ đã đến tuổi nhưng chưa tiêm đủ mũi vắc xin có chứa thành phần sởi; 8,5% bệnh nhân đã tiêm 2 liều vắc xin phòng sởi. Độ tuổi mắc sởi nhiều nhất trên 5 tuổi đến 11, chiếm hơn 27%.
![]() |
Đà Nẵng tuyên truyền, vận động người dân về lợi ích của tiêm vắc xin sởi để người dân chủ động phòng bệnh, đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ. Ảnh: Thanh Hiền. |
“Hiện nay hệ thống khám chữa bệnh đủ khả năng đáp ứng với tình hình bệnh sởi. Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh thường xuyên theo phân công, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn bố trí sẵn sàng 650 – 700 giường bệnh điều trị nội trú đối với bệnh nhân nghi sởi, sởi và khoảng 30 giường điều trị bệnh nhân sởi nặng. Nhân lực, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế để điều trị bệnh sởi cũng được bảo đảm”, BS. Võ Thu Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế thông tin.
Ông Tùng cho biết thêm, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế, Đà Nẵng đã gấp rút, nỗ lực phối hợp với các ngành, các địa phương triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi tại 47/47 xã, phường. Kết thúc chiến dịch đến cuối tháng 3 có 21.560 trẻ em từ 6 – 9 tháng tuổi và trẻ em từ 1 – 10 tuổi chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng sởi được tiêm bổ sung, đạt tỷ lệ hơn 96%. Một số trẻ thuộc diện tiêm trong chiến dịch nhưng chưa được tiêm, do chống chỉ định hoặc phải hoãn tiêm đợt này do các bệnh lý và tình trạng sức khỏe. Ngoài ra, có 300 trường hợp không đồng ý tiêm, gồm 50 trẻ 6-9 tháng tuổi, 110 trẻ 1-5 tuổi, 140 trẻ 6-10 tuổi.
Trước diễn biến bệnh sởi phức tạp, UBND thành phố cùng các đơn vị chức năng đã tuyên truyền cho người dân các khuyến cáo về phòng chống bệnh sởi, vận động đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.