Kinh doanh

Thứ trưởng Tài chính: Không nên phản ứng "thái quá" trước mức thuế của Mỹ

Tóm tắt:
  • Đại diện Bộ Tài chính khuyến nghị không nên phản ứng thái quá với mức thuế đối ứng của Mỹ.
  • Các tổ chức quốc tế dự đoán kinh tế toàn cầu có khả năng suy giảm, ảnh hưởng đến Việt Nam.
  • Mức thuế 46% của Mỹ dự kiến sẽ tác động tiêu cực đến xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
  • Bộ Công Thương đã chủ động tiếp xúc với Mỹ để đàm phán về các vấn đề thuế quan.
  • Thủ tướng yêu cầu điều chỉnh chiến lược xuất khẩu và khám phá thị trường mới để giảm thiệt hại.

Liên quan mức độ tác động mức thuế đối ứng Mỹ vừa công bố, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Đỗ Thành Trung tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025 cho biết, các tổ chức quốc tế và các định chế ngân hàng, tài chính đều đánh giá khả năng gia tăng xác suất suy giảm kinh tế toàn cầu và có thể dẫn đến suy thoái kinh tế. Theo đó rất nhiều tổ chức đều hạ mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu, điều này chắc chắn có ảnh hưởng đến Việt Nam.

"Chính sách thuế của Mỹ áp dụng không chỉ cho Việt Nam mà cho tất cả các quốc gia. Đây cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến tâm lý, môi trường kinh doanh cũng như triển vọng đầu tư kinh doanh", ông Trung cho biết. "Môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng nhất định".

bo tai chinh 17439294489301038165832.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ. Ảnh: VGP

Ông Trung trích dẫn phản ứng của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam "có đôi chút thái quá" dù Chính phủ đã vào cuộc rất nhanh.

"Chỉ trong 2 ngày, thị trường chứng khoán đã mất 100 điểm, song tôi tin với nỗ lực của Chính phủ, các nhà đầu tư sẽ có niềm tin trở lại", ông nói.

Đồng tình với nhận định trên, ông Trương Thanh Hoài, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết mức thuế quan đối ứng 46%, dự kiến áp dụng từ ngày 9/4 sẽ có tác động rất đáng kể, đa chiều và tiêu cực đối với hoạt động xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian tới, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế tạo, thu hút đầu tư FDI, đầu tư trong nước, dịch vụ, lao động việc làm.

"Những sản phẩm xuất khẩu chủ lực như máy tính, linh kiện điện tử, da giày, dệt may… có nguy cơ bị giảm kim ngạch xuất khẩu", Thứ trưởng Bộ Công Thương nhận định.

Nguyên nhân là do việc tăng thuế khiến giá cả hàng hóa Việt Nam tại Mỹ tăng cao, giảm sức cạnh tranh so với hàng hóa nước ngoài, đồng thời sức mua của người dân Mỹ suy giảm. Điều này khiến doanh nghiệp Mỹ có thể xem xét tiếp tục các hợp đồng đã ký kết với doanh nghiệp Việt Nam hay không, đồng thời tiềm năng ký kết hợp đồng mới sẽ trở nên khó khăn.

Đại diện Bộ Công Thương thông tin, ngay sau khi Mỹ công bố mức thuế đối ứng mới, cơ quan này đã chủ động triển khai tiếp xúc với phía bạn trên tất cả các cấp, các kênh để làm rõ quan điểm của Việt Nam.

Ngày 3/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có công điện đề nghị Trưởng đại diện Thương mại Mỹ tạm hoãn áp dụng mức thuế mới để 2 bên có thể đàm phán hài hòa lợi ích, đồng thời yêu cầu phía bạn bố trí cuộc điện đàm cấp cao giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 4/4.

Trên tinh thần cuộc điện đàm, 2 bên đều mong muốn tăng cường hợp tác song phương. Việt Nam sẵn sàng trao đổi đưa thuế nhập khẩu của Mỹ về mức 0% và đề nghị Mỹ áp dụng chính sách tương tự. Trước đó, ngày 30/3, Chính phủ đã ban hành Nghị định 73 điều chỉnh giảm một số mức thuế nhập khẩu ưu đãi, tuy nhiên chưa thỏa mãn điều kiện từ phía Mỹ.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục trao đổi chặt chẽ với bộ ngành liên quan của Mỹ để giải quyết các vướng mắc còn tồn tại trong quan hệ thương mại hai bên. Trong thời gian này, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao khả năng thích nghi, tập trung phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp hỗ trợ để đảm bảo giá trị gia tăng trong nước.

Lãnh đạo Bộ Công Thương nhận định, xuất khẩu sẽ gặp thách thức trong thời gian tới. Do đó, các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp cần có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời cập nhật thông tin, chính sách thương mại để kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh, đảm bảo mục tiêu xuất khẩu năm 2025.

Thủ tướng: Chuẩn bị kỹ phương án đàm phán cụ thể với Mỹ về thuế đối ứng

Thủ tướng: Chuẩn bị kỹ phương án đàm phán cụ thể với Mỹ về thuế đối ứng

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Việt Nam rất tôn trọng, giải quyết các vấn đề quan tâm của Mỹ và tiến hành đàm phán với Mỹ theo thỏa thuận cấp cao giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump.
Thủ tướng: Chính sách thuế của Mỹ là cơ hội để cơ cấu lại thị trường xuất khẩu

Thủ tướng: Chính sách thuế của Mỹ là cơ hội để cơ cấu lại thị trường xuất khẩu

Trước việc Mỹ công bố chính sách thuế đối ứng, Thủ tướng yêu cầu cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, xâm nhập vào các thị trường còn nhiều tiềm năng như Trung Đông, Đông Âu, Trung Á, Mỹ La tinh, Ấn Độ, ASEAN.

Các tin khác

Động lực nào thúc đẩy GDP quý I tăng cao nhất trong 6 năm qua?

GDP quý I năm nay ước tính tăng 6,93% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng cao nhất so với quý I các năm trong giai đoạn 2020-2025. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 9,28%, đóng góp 2,33 điểm phần trăm.

Technical Insights: Đã đến lúc "bắt đáy"?

Sau phiên giảm mạnh nhất lịch sử vào ngày 3/4, thị trường chứng khoán Việt Nam đang rơi vào trạng thái bất ổn. Dù có những tín hiệu tích cực trong phiên 4/4, việc nhà đầu tư có nên "bắt đáy" vào thời điểm này vẫn là một dấu hỏi lớn.

Thủ tướng: Sớm trình phương án xử lý Ngân hàng SCB

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý (khoảng 16%); khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phương án xử lý đối với Ngân hàng SCB.

Tin xem nhiều