Tài chính

KBSV: Tăng trưởng tín dụng năm 2023 sẽ chậm lại, rào cản lớn nhất là căng thẳng thanh khoản hệ thống

 

Theo báo cáo triển vọng năm 2023 của Chứng khoán KB (KBSV), các chuyên gia cho rằng trong năm tới tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại với rào cản lớn nhất là vấn đề căng thẳng thanh khoản hệ thống.

Các điều kiện kinh tế vĩ mô đang có tín hiệu ổn định sẽ tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có các động thái để cải thiện cung tiền nhờ đó giảm áp lực thanh khoản cho hệ thống. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng để cung tiền và tăng trưởng tín dụng đạt được điểm cân bằng sẽ phải mất từ 3-6 tháng chưa kể khả năng vấn đề tỷ giá và lạm phát có thể quay trở lại, do đó tín dụng sẽ bị kìm hãm trong nửa đầu năm 2023 và được kỳ vọng sẽ cải thiện vào nửa cuối năm.

Ngoài ra, KBSV nhận định trong năm tới căng thẳng thanh khoản được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt. Theo đó, tính chung cả năm 2022, CPI bình quân tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra cùng việc tỷ giá chỉ tăng 3.5% so với cùng kỳ. thấp nhất trong khu vực, và đồng USD suy yếu sẽ tạo điều kiện cho các biện pháp nới lỏng cung tiền của NHNN như mua ngoại tệ.

Bên cạnh đó, NHNN luôn cam kết hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng bằng cách chào mua giấy tờ có giá kỳ hạn ngắn và dài, dù mang tính chất tạm thời nhưng cũng làm giảm bớt căng thẳng thanh khoản hệ thống trong thời gian tới. Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong năm 2023 được kỳ vọng cũng sẽ góp phần cải thiện cung tiền.

Mặt khác, kênh trái phiếu vẫn đang đóng băng nên ngân hàng vẫn sẽ là kênh huy động chính của doanh nghiệp cho đến khi có sửa đổi chính thức của Nghị định 65. Với lý do nhu cầu vay vốn cao và kỳ vọng vấn đề thanh khoản hạ nhiệt, KBSV dự báo tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2023 tương đương các năm trước, ở mức từ 13-14%. 

 

Tuy nhiên, theo KBSV nhận định, tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) khó có thể mở rộng do mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao.

Mặt bằng lãi suất tiền gửi hiện đang cao hơn trước dịch COVID-19 từ 0,6-1,46% dưới tác động của việc NHNN nâng lãi suất điều hành và cuộc đua lãi suất giữa các ngân hàng do thanh khoản hệ thống bị thiếu hụt.

Các chuyên gia của KBSV dự báo mặt bằng lãi suất huy động sẽ hạ nhiệt trong thời gian tới nhưng vẫn duy trì ở mức cao so với thời điểm trước dịch, cụ thể từ 9-10%. Nguyên nhân là do căng thẳng thanh khoản được kỳ vọng dịu bớt, NHNN có thể cân nhắc áp trần lãi suất huy động 12 tháng ở mức 9,5% để kiềm chế cuộc đua lãi suất nhờ đó các ngân hàng có thể giảm lãi cho vay.

Trong khi đó, lợi suất tài sản của ngân hàng khó có thể tăng theo kịp do xu hướng giảm lãi suất cho vay để đẩy mạnh giải ngân room tín dụng mới và hỗ trợ khách hàng theo chỉ thị của NHNN (giảm 0,5-3% lãi cho vay).

Do đó chuyên gia dự báo biên lãi thuần khó có thể tiếp tục mở rộng. NIM 2023 dự báo giảm khoảng 0,3-0,4 điểm % so với cùng kỳ.

Ngoài ra, áp lực trái phiếu đáo hạn đã giảm bớt vào những tháng cuối năm nhờ nỗ lực mua lại trước hạn của các doanh nghiệp, tuy nhiên KBSV cho rằng rủi ro trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn hiện hữu.

Theo đó, KBSV cho rằng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2023 là khoảng 350.000 tỷ đồng, trong đó có khoảng 120.000 tỷ trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản. Siết tín dụng bất động sản cùng thị trường trái phiếu doanh nghiệp gần như đóng băng sẽ tiếp tục làm giảm khả năng trả nợ của doanh nghiệp và đe dọa chất lượng tài sản của ngân hàng.

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm