Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng phải tiết giảm chi phí để chủ động giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng - phó tổng giám đốc phụ trách điều hành Vietcombank - ngân hàng này sẽ giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với tất cả các khoản vay của khách hàng cá nhân, doanh nghiệp có dư nợ hiện hữu và dư nợ phát sinh mới tại Vietcombank. Thời gian giảm từ mai 1-1 đến hết ngày 30-4.
"Hệ thống của Vietcombank sẽ tự động giảm lãi suất cho vay mà khách hàng không phải có đơn đề nghị hay thủ tục giấy tờ gì.
Trong năm 2023, Vietcombank vẫn tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức cạnh tranh nhất so với thị trường nhằm hỗ trợ khách hàng phục hồi và ổn định sản xuất kinh doanh" - ông Tùng nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online hôm 31-12, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng - cho biết đã nhận được văn bản cam kết lãi suất huy động không cao quá 9,5%/ năm của hơn 20 tổ chức tín dụng. Đến nay, nhiều ngân hàng đã thông báo công khai hạ lãi suất huy động từ 1 - 2,5%/ năm so với trước, lãi suất cho vay cũng được giảm theo.
"Lãi suất huy động không thể tăng quá cao. Nên với điều kiện hiện nay, mức tối đa 9,5%/ năm được xem là phù hợp. Như thế, mặt bằng lãi suất cho vay mới được giữ ổn định ở mức hợp lý.
Mặt khác, để đảm bảo thanh khoản toàn hệ thống, tín dụng được đáp ứng đầy đủ và kịp thời cho nền kinh tế và giữ ổn định mặt bằng lãi suất trong năm 2023, Hiệp hội Ngân hàng cũng vừa kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét phân bổ chỉ tiêu tín dụng ngay từ đầu năm để các tổ chức tín dụng có kế hoạch xây dựng kế hoạch kinh doanh. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng có giải pháp hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng trong tình hình cần thiết" - ông Hùng nói.
Với mục tiêu duy trì ổn định lãi suất, phát biểu kết luận hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành ngân hàng năm 2023 vừa diễn ra giữa tuần này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, tiết giảm các chi phí để chủ động giảm lãi suất cho vay, chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng phải tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận tín dụng ngân hàng, hướng đồng vốn vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ (nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa…); tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Nhìn lại năm 2022, bà Hồng cho rằng là năm ngành ngân hàng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động cộng hưởng bởi những biến động phức tạp, khó lường của kinh tế thế giới và trong nước.
Ứng phó với bối cảnh lạm phát gia tăng, giá dầu, giá nguyên vật liệu tăng cao, Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ và nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đều thắt chặt chính sách tiền tệ với tốc độ nhanh, mạnh, khiến lãi suất thế giới và đồng USD tăng cao.
Ở trong nước, sau đại dịch COVID-19, sản xuất kinh doanh phục hồi nhưng vẫn còn khó khăn; thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp đều khó khăn…
Tuy nhiên, tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối tháng 12 vẫn đạt trên 11,78 triệu tỉ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021. Mặt bằng lãi suất tăng khoảng gần 1%/năm, mức biến động này thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới và khu vực.