Tài chính

2022 "đoán toàn sai": Fed và những cú sốc đã khiến nhà đầu tư "sấp mặt" như thế nào

Trở lại thời điểm đầu năm nay, Marko Kolanovic và John Stoltzfus – 2 tiếng nói lạc quan nhất trên phố Wall – hoàn toàn tin tưởng vào một điều: Cục dự trữ liên bang (Fed) sẽ thực hiện kế hoạch tăng lãi suất nhưng với tốc độ rất, rất chậm. Dù lạm phát đang tăng cao cũng không nhằm nhò gì. Và theo họ, lãi suất sẽ tăng chậm đến nỗi thị trường tài chính gần như không cảm nhận được gì.

Kolanovic, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của JPMorgan Chase, dự báo thị trường sẽ tiếp tục có 1 năm tăng điểm trên diện rộng, với chỉ số S&P 500 đạt 5.050 điểm khi năm 2022 kết thúc. Stoltzfus, giám đốc chiến lược đầu tư của Oppenheimer, thậm chí còn lạc quan hơn khi đưa ra con số 5.330 điểm.

Cuối cùng thì các dự đoán đều trật lất, chênh hơn 1.000 điểm so với những gì đã diễn ra.

Hai nhân vật kể trên – 2 lãnh đạo cấp cao tại 2 cái tên lớn trên phố Wall – là ví dụ điển hình cho những gì đã diễn ra trong năm qua. Ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ ít ỏi, hầu hết các chuyên gia trên cả thị trường cổ phiếu và trái phiếu đều không thể ngờ rằng lạm phát sẽ khiến thế giới đầu tư đảo lộn mạnh đến vậy. Fed đã hành động quá nhanh, quá mạnh và khiến cả cổ phiếu và trái phiếu ghi nhận năm tồi tệ nhất kể từ những năm 1970.

Hiện tại Mỹ có 865 quỹ tương hỗ chủ động đầu tư vào cổ phiếu và sở hữu tài sản ít nhất 1 tỷ USD. Trung bình, họ đã thua lỗ 19% trong năm 2022. Các quỹ đầu cơ cổ phiếu cũng thua lỗ nặng. Trên thị trường trái phiếu, 200 quỹ có tài sản từ 1 tỷ USD trở lên cũng lỗ trung bình 12%. Đa số có hiệu suất tệ hơn nhiều so với các chỉ số chuẩn.

Những cú sốc không thể ngờ

Nói một cách công bằng, khó ai có thể dự đoán chính xác thị trường lại diễn biến như vậy. Một loạt cú sốc bất ngờ ập đến với kinh tế toàn cầu đã gây ra những cơn địa chấn trên thị trường. Ví dụ, không ai nghĩ rằng Trung Quốc sẽ kiên định với chính sách Zero Covid cho đến tận cuối năm hay Nga sẽ thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Theo Ken Leech, CIO của quỹ đầu tư Western Asset Management, 2022 là 1 năm thực sự thách thức. Tuy nhiên gần đây hiệu suất của quỹ trái phiếu Core Plus Bond Fund mà Leech đang vận hành đã bắt đầu cải thiện, với mức tăng trưởng 3,6% trong quý IV. “Chúng tôi đã điều chỉnh toàn bộ danh mục theo những thay đổi trong môi trường vĩ mô và tin rằng quỹ đang ở vị thế tốt để hưởng lợi từ đà phục hồi của kinh tế toàn cầu”, ông nói.

Những đợt tăng lãi suất của Fed là một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến thị trường lao dốc. Lâu nay, thị trường vẫn tin rằng các nhà hoạch định chính sách vẫn luôn ở đó và sẵn sàng giải cứu khi tình hình xấu đi, bằng cách co hẹp kế hoạch tăng lãi suất hay thậm chí là giảm lãi suất. Do đó thị trường lao dốc chính là thời điểm tốt để bắt đáy.

Suy nghĩ này ra đời ngay sau lần gần nhất nước Mỹ phải đối mặt với lạm phát. Đến giữa những năm 1980, khi giá cả ổn định trở lại, Fed hoàn toàn có thể thoải mái tập trung duy nhất vào nhiệm vụ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và việc làm. Trong quá trình đó họ cũng vô tình "thổi giá" cả phiếu và trái phiếu.

Nhưng giờ thì niềm tin đó đã đổ vỡ trong thời đại lạm phát cao như hiện nay. Thay vào đó, “Fed xoay trục” gây ra những tác động tiêu cực đến thị trường. Nhà đầu tư từng kỳ vọng Fed sẽ phải dừng tăng lãi suất, thậm chí là hạ lãi suất để ngăn nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Nhưng niềm tin lại một lần nữa vỡ vụn khi Chủ tịch Fed Jerome Powell nhiều lần khẳng định lãi suất sẽ tiếp tục tăng cho đến khi hoàn toàn kiểm soát được lạm phát.

Thị trường tá hỏa vì Fed

Fed đã mắc nhiều sai lầm. Trong suốt năm 2020 và 2021, ông Powell luôn tự tin rằng lạm phát chỉ là tạm thời. Giá cả tăng vì các nút thắt trên chuỗi cung ứng và hàng nghìn tỷ USD được bơm vào để kích thích tăng trưởng, do đó lạm phát sẽ sớm hạ nhiệt.

Những bình luận này càng củng cố niềm tin của nhà đầu tư rằng thời kỳ lãi suất siêu thấp vẫn còn đó. Tháng 6 năm ngoái, họ vẫn đặt cược rằng lạm phát sẽ giảm xuống còn khoảng 3% trong 12 tháng tới. Tức là đến cuối năm 2022 Fed sẽ chỉ tăng lãi suất khoảng 0,4%.

Đó là 1 sai lầm chết người. Trên thực tế, lạm phát đã lên tới 9%, còn lãi suất đã tăng hơn 4%.

Không chỉ đánh giá thấp lạm phát, nhiều người trong cộng đồng đồng tư vẫn tin rằng Fed sẽ cứu rỗi tất cả. Điều trớ trêu là các nhà đầu tư chuyên nghiệp trên phố Wall đã từng chế nhạo những “tay mơ” bị “thiêu cháy” vì điên cuồng chạy theo cổ phiếu GameStop hay đồng tiền số Shiba Inu. Nhưng cuối cùng thì họ cũng chẳng khác gì khi những người được coi là tinh hoa của giới tài chính lại mù quáng tin rằng nhờ có Fed thị trường chỉ tăng điểm chứ không bao giờ giảm điểm.

“Nếu bạn giàu có và nổi tiếng vào cuối năm 2020, đó là bởi lãi suất siêu thấp. Tất cả thành công của bạn đều đến từ lãi suất thấp”, Andrew Beer, chuyên gia đến từ quỹ ETF Dynamic Beta nhận định. Dynamic Beta đã tăng trưởng tới 21% kể từ đầu năm đến nay nhờ đặt cược chống lại trái phiếu.

Do đó, Beer cho rằng đã đến lúc các nhà đầu tư phải suy nghĩ lại về cách tiếp cận của mình. Lãi suất tăng và cái cách mà nhà đầu tư buộc phải hạ dự báo về lợi nhuận của doanh nghiệp trong tương lai ảnh hưởng đặc biệt tiêu cực tới nhóm cổ phiếu công nghệ.

Có vài dấu hiệu cho thấy phố Wall đang dần thay đổi dù chậm chạp.

Đầu tháng 12, khi nhiều tổ chức công bố dự báo về năm 2023, có 1 điều chưa từng xảy ra từ ít nhất là năm 1999 đã xuất hiện: nhiều chuyên gia đồng thuận với nhận định S&P 500 sẽ có 1 năm giảm điểm.

Một trong số những người đã hạ dự báo cho năm 2023 là Drew Pettit - chiến lược gia 33 tuổi của Citigroup. Anh nhận thức rõ quan điểm "mọi thứ đều tăng giá" là điều hết sức nguy hiểm. Từng dự đoán S&P 500 sẽ kết thúc năm 2022 ở mức trên 5.000 điểm, giờ đây Pettit chỉ đưa ra con số 4.000 cho năm 2023. "Trong năm tới, sẽ có nhiều điều khó khăn mà chúng ta cần phải vượt qua", anh nói.

Tham khảo Bloomberg

Cùng chuyên mục

Đọc thêm