Tài chính

Bloomberg: TTCK toàn cầu mất 18 nghìn tỷ USD trong năm 2022 nhưng nhiều khả năng sẽ tiếp tục lao dốc vào 2023

Lĩnh vực công nghệ chìm trong khủng hoảng, tình hình dịch bệnh căng thẳng ở Trung Quốc và điều căng thẳng nhất đó là không có NHTW nào có thể “giải cứu” nếu mọi thứ vẫn tiếp nối xu hướng này. Mất 18 nghìn tỷ USD, TTCK toàn cầu đã phải vượt qua những rào cản trên trong năm vừa qua và có thể sẽ tiếp tục chật vật khi nỗ lực “thoát” khỏi sắc đỏ trong 2 năm liên tiếp.

Giảm hơn 20% vào năm 2022, chỉ số MSCI All-Country World đang chuẩn bị ghi nhận thành tích tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008, trong bối cảnh Fed tăng lãi suất mạnh tay.

Những nhà đầu tư lạc quan có thể dự đoán rằng 2 năm liên tiếp “down trend” là điều hiếm khi xảy ra với các TTCK lớn, chỉ số S&P 500 giảm 2 năm liên tiếp trong 4 đợt kể từ năm 1928. Tuy nhiên, điều đáng sợ hơn là khi trường hợp đó xảy ra, thì đà sụt giảm trong năm thứ 2 còn sâu sắc hơn so với năm đầu tiên.

Dưới đây là một số yếu tố có thể “định hình” TTCK toàn cầu trong năm 2023:

Các NHTW

“Phe lạc quan” có thể chỉ ra rằng thời kỳ lãi suất thấp sắp diễn ra, có thể là sẽ bắt đầu từ tháng 3 khi thị trường kỳ vọng Fed sẽ dần hạ lãi suất vào cuối năm 2023. Một cuộc khảo sát của Bloomberg cho thấy 71% nhà đầu tư toàn cầu dự đoán TTCK sẽ tăng giá vào năm 2023.

Vincent Mortier - CIO của quỹ quản lý tài sản lớn nhất châu Âi Amundi, khuyến nghị nhà đầu tư nên đặt vị thế phòng thủ trong năm mới. Ông dự đoán TTCK sẽ có diễn biến trắc trở vào năm 2023 nhưng chỉ ra “việc Fed nới lỏng chính sách trong nửa đầu năm có thể sẽ là thời điểm thích hợp để mua.”

Tuy nhiên, sau 1 năm đến những người giỏi và thông minh nhất của cộng đồng đầu tư cũng dự đoán sai, thì nhiều người lại đang chuẩn bị để đi trên con đường gập ghềnh hơn nữa.

Rủi ro hiện hữu là lạm phát vẫn quá nóng, khiến các nhà hoạch định chính sách cảm thấy vẫn cần phải duy trì môi trường lãi suất cao. Một chỉ báo kinh tế của Bloomberg cho thấy 100% khả năng suy thoái sẽ xảy ra từ tháng 8. Song, dường như các NHTW sẽ không vội nới lỏng chính sách ngay cả khi đã thấy những “vết nứt” trong nền kinh tế.

Christian Nolting - CIO toàn cầu của Deutsche Bank Private Bank, viết trong một lưu ý gửi khách hàng: “Các nhà hoạch định chính sách, ít nhất là ở Mỹ và châu Âu, giờ đây dường như đã chấp nhận việc tăng trưởng kinh tế giảm tốc trong năm 2023.” Ông cảnh báo cuộc suy thoái có thể sẽ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng “gây hậu quả khôn lường.”

Sự suy thoái của các Big Tech

Một ẩn số lớn trên thị trường đó là giá trị của các công ty công nghệ vốn hoá lớn sẽ như thế nào sau khi Nasdaq 100 giảm tới 35% vào năm 2022. Các công ty như Meta và Tesla mất khoảng 2/3 giá trị, Amazon cũng đi theo xu hướng tương tự và Netflix gần như mất tới 50%.

Bloomberg: TTCK toàn cầu mất 18 nghìn tỷ USD trong năm 2022 nhưng nhiều khả năng sẽ tiếp tục lao dốc vào 2023 - Ảnh 1.

Vốn hoá của các Big Tech sụt giảm mạnh trong năm 2022.

Các cổ phiếu công nghệ từng được định giá cao sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn khi lãi suất tăng. Tuy nhiên, các xu hướng khác vốn thúc đẩy đà phát triển của lĩnh vực công nghệ trong những năm gần đây cũng có thể sẽ đi ngược lại. Suy thoái kinh tế có nguy cơ ảnh hưởng đến nhu cầu với iPhone, trong khi hoạt động quảng cáo trực tuyến không được ưa chuộng như trước đây có thể tác động đến Meta và Alphabet.

Trong cuộc khảo sát hàng năm của Bloomberg, chỉ khoảng 1 nửa người được hỏi cho biết họ sẽ mua cổ phiếu công nghệ, nhưng có chọn lọc.

Kim Forrest - CIO của Bokeh Capital Partners, cho hay: “Một số công ty công nghệ sẽ khởi sắc khi họ có thể thu hút khách hàng, như Amazon. Song một số khác sẽ không thể đạt đến đỉnh cao như trước đây.”

Lợi nhuận doanh nghiệp kém khả quan

Lợi nhuận doanh nghiệp tăng mạnh mẽ trong thời gian trước đây được cho là sẽ lao dốc trong năm 2023, do áp lực từ lãi suất cao và nhu cầu của người tiêu dùng suy yếu.

Bloomberg: TTCK toàn cầu mất 18 nghìn tỷ USD trong năm 2022 nhưng nhiều khả năng sẽ tiếp tục lao dốc vào 2023 - Ảnh 2.

Dự báo EPS của S&P 500 và Stoxx 600.

Mike Wilson - nhà phân tích của Morgan Stanley, cho hay: “Chương cuối cùng của thị trường giá xuống này sẽ có diễn biến theo ước tính lợi nhuận - vốn đã ở mức quá cao.” Ông dự đoán EPS của S&P 500 trong năm 2023 sẽ là 180 USD, trong khi các nhà phân tích khác kỳ vọng mức 231 USD.

Theo Wilson, xu hướng sụt giảm của lợi nhuận doanh nghiệp trong năm tới có thể tương đương như năm 2008 và thị trường hiện vẫn chưa định giá được.

Kinh tế Trung Quốc mất đà

Quyết định dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt vào đầu tháng 12 của Bắc Kinh dường như là bước ngoặt đối với MSCI China Index. Việc chỉ số này giảm 24% là nguyên nhân chính khiến TTCK toàn cầu lao dốc vào năm 2022.

Tuy nhiên, đà hồi phục kéo dài 1 tháng của thị trường đại lục và Hong Kong đã khép lại khi số ca mắc Covid-19 tăng vọt, ảnh hưởng đến triển vọng hồi phục của nền kinh tế. Trong khi đó, nhiều quốc gia đang yêu cầu xét nghiệm Covid đối với khách du lịch từ Trung Quốc và đây là yếu tố tiêu cực với cổ phiếu ngành du lịch, giải trí và hàng hoá xa xỉ.

Giao dịch quyền chọn nhận được “lực đẩy”

Bloomberg: TTCK toàn cầu mất 18 nghìn tỷ USD trong năm 2022 nhưng nhiều khả năng sẽ tiếp tục lao dốc vào 2023 - Ảnh 3.

Diễn biến của S&P 500 trong năm 2022.

Các trader chuyên nghiệp và nhà đầu tư tổ chức giao dịch theo thuật toán đã thực hiện nhiều giao dịch quyền chọn - trong thời gian vừa qua vốn được nhà đầu tư nhỏ lẻ chi phối. Điều này có thể khiến diễn biến thị trường còn trở nên trắc trở hơn, gây ra những biến động đột ngột như trong phiên sau khi số liệu lạm phát Mỹ hồi tháng 10 được công bố.

Khi S&P 500 lao dốc trong năm 2022, các giao dịch đầu cơ ngắn hạn vẫn nghiêng về xu hướng giảm. Song, nếu thị trường đảo chiều thì giao dịch này sẽ tiếp thêm “nhiên liệu” cho đà hồi phục.

Tham khảo Bloomberg

Cùng chuyên mục

Đọc thêm