Tất cả mọi người trên khắp thế giới đang chào tạm biệt năm 2022 và đón chờ năm 2023 với những hy vọng mới, thành tựu mới. Trước thềm năm mới sắp đến, tất cả đều cùng háo hức đếm ngược những giây phút cuối cùng. Tuy nhiên, thời khắc giao thừa chắc chắc sẽ là khác nhau ở các nước trên khắp địa cầu.
Tính đến nay, lịch Gregorian (lịch dương) vẫn đang được sử dụng phổ biến trên toàn cầu. Theo lịch này, hầu như tất cả các quốc gia trên thế giới đều sẽ ăn mừng năm mới sau khoảng thời gian 364/365 ngày, vào ngày 1 tháng 1 hàng năm.
Ở nhiều nước, nhất là các nước phương Tây, Tết dương lịch là sự kiện lớn cuối cùng trong năm. Rõ ràng rằng thời khắc năm mới là một sự kiện toàn cầu với rất nhiều các hình thức chào mừng khác nhau. Và hãy cùng xem những quốc gia nào đón năm mới đầu tiên và cuối cùng trên hành tinh của chúng ta:
Quốc gia đầu tiên đón năm mới
Quần đảo Tonga ở Thái Bình Dương sẽ là nơi đầu tiên đón chào năm mới 2023, khi mà giao thừa đã bắt đầu ngay từ lúc 10 giờ sáng theo giờ GMT. Các quốc đảo nhỏ trên hòn đảo Thái Bình Dương này, bao gồm Samoa và Kiribati, do đó sẽ là những quốc gia đầu tiên mở màn cho những màn ăn mừng năm mới sẽ lần lượt trải khắp thế giới.
Quần đảo Tonga, còn được gọi là Friendly Islands (tạm dịch: Quần đảo thân thiện), nằm rải rác phía đông quốc đảo Fiji ở khu vực Nam Thái Bình Dương. Tonga bao gồm 171 hòn đảo lớn nhỏ khác nhau, và chỉ 45 trong số đó có người sinh sống, Tonga có tổng diện tích chỉ khoảng 748 km2. Để so sánh một cách tương đối, phần diện tích của quần đảoTonga chỉ lớn hơn một chút so với diện tích của thủ đô Washington, Hoa Kỳ. Quần đảo này kéo dài 631 km theo hướng Đông Bắc – Tây Nam và 209 km theo chiều Đông Nam – Tây Bắc .
Quốc gia cuối cùng đón năm mới
Sau khi ghé thăm đảo Tonga, thời khắc giao thừa sẽ đi hết một vòng quanh Trái Đất. Và các hòn đảo không có người ở quần đảo Howland và Baker, gần Hoa Kỳ, sẽ là những nơi cuối cùng trên thế giới đón mừng năm mới. Tại nơi đây, đồng hồ điểm giao thừa vào lúc 12 giờ trưa hôm sau theo giờ GMT.
Howland và Baker là hai đảo san hô nằm ngay phía bắc đường xích đạo, cách Hawaii khoảng 3.056 km về phía Tây Nam. Hai hòn đảo này nằm cách nhau 66 km.
Cả Howland và Baker đều là những đảo san hô cát thấp, gần như bằng phẳng, được bao quanh bởi các dải đá ngầm hẹp. Đảo Howland có kích thước chỉ khoảng 3,2 x 0,8 km và có độ cao tối đa là 3 m, trong khi đảo Baker còn nhỏ hơn, khoảng 1,6 x 1,4 km và cao tối đa 8 m. Chúng nằm giữa tuyến đường chim bay từ Hawaii đến Úc. Hoa Kỳ đã từng bí mật cử hơn 100 người đến dọn sạch các đường băng ở đây vào những năm 1930 để sử dụng cho mục đích hàng không. Và cho đến nay, hai hòn đảo này vẫn không có người ở, chỉ là nơi cư trú cho các loài động vật hoang dã như chim biển, cá heo và cá rạn san hô.
Năm mới mang những hi vọng mới
Ở mỗi đất nước mà thời khắc năm mới đi qua, người dân lại có những truyền thống ăn mừng rất thú vị và độc đáo. Chẳng hạn, người dân Tây Ban Nha sẽ ăn 12 quả nho với hi vọng những điều tốt đẹp sẽ đến trong cả 12 tháng tới. Hay ở Đan Mạch, người ta sẽ lấy các loại đĩa không sử dụng trong năm qua ra mà đập, với hi vọng những điều xui rủi cũng theo đó mà đi luôn. Ở một số vùng trên đất nước Italia, người dân còn ném cả những đồ đạc trong nhà qua ban công, với hi vọng một khởi đầu tươi mới sẽ bắt đầu từ đó.