Các công ty logistics Indonesia đã bước lên một tầm cao mới trong bối cảnh mảng thương mại điện tử tại quốc gia này thăng hoa. Thế nhưng, một công ty dường như lại đang bỏ xa đối thủ: J&T Express.
Một báo cáo từ Momentum Works cho thấy J&T đã xử lý 2 triệu đơn hàng mỗi ngày trong năm 2020. J&T Express không chỉ vượt trội hơn các startup như SiCepat Ekspres và Ninja Xpress, mà còn vượt qua cả các công ty gạo cội như JNE.
Thế nhưng, khác với các đối thủ Indonesia, J&T có tham vọng lớn hơn. Bên cạnh việc mở rộng ra Đông Nam Á và Trung Quốc, startup này cũng đang để mắt đến Trung Đông và Mỹ Latinh.
Tháng 11/2021, J&T gọi vốn thành công 2,5 tỷ USD ở định giá 20 tỷ USD. J&T cũng dự định sẽ thực hiện IPO ở Hong Kong trong năm nay. Dù vậy, mở rộng ra toàn cầu là một nhiệm vụ không hề dễ dàng. Ví dụ, ở Trung Quốc, J&T phải đối mặt với cạnh tranh về giá cực kỳ gắt gao.
Người đồng sáng lập của một đối thủ của J&T cho biết không có nhiều sự khác biệt giữa các công ty logistics, ít nhất là nhìn từ khía cạnh mô hình kinh doanh và vận hành. "Với J&T, cách duy nhất để duy trì tăng trưởng là mở rộng ra các thị trường mới", người này nói với Tech in Asia.
Thời điểm và yếu tố OPPO
Có một vài chất xúc tác thúc đẩy quá trình mở rộng thần tốc của J&T. Đầu tiên là thời điểm. Khi J&T ra mắt vào năm 2015, tổng giá trị hàng hoá giao dịch (GMV) ngành thương mại điện tử của Indonesia chạm mốc 1,78 tỷ USD, theo Google, Temasek, và Bain & Company.
Tuy nhiên, bằng cách hợp tác với các sàn thương mại điện tử như Shopee hay Tokopedia từ sớm giúp J&T có được nền móng vững chắc ngay khi miếng bánh thương mại điện tử phát triển. Dự đoán đến năm 2025, thị trường thương mại điện tử có thể tăng quy mô lên mốc 83 tỷ USD.
Yếu tố thứ 2 là J&T có "gốc gác" Trung Quốc và có thể liên quan đến nhà sản xuất smartphone OPPO. Jet Lee, người sáng lập và CEO đầu tiên của J&T, là CEO OPPO Indonesia. Trong khi đó, ông Tony Chen, người sáng lập OPPO, là người đồng sáng lập J&T.
Thực tế, J&T Express ban đầu được thành lập để phục vụ hoạt động logistics cho mảng thương mại điện tử của OPPO ở Indonesia. Trước đây, ông Lee từng nói rằng hoạt động logistics ở Indonesia thường chậm trễ với chất lượng dịch vụ dưới chuẩn. Đây là lý do vì sao ông và ông Chen đầu tư khoảng 28 triệu USD vào J&T.
Đổi lại, mạng lưới của OPPO giúp J&T mở rộng nhanh chóng ở Đông Nam Á và Trung Quốc. Ở Trung Quốc, J&T vận hành dưới tên gọi Jitu và tiếp cận độ phủ 100% quốc gia này chỉ trong 7 tháng.
Vị đồng sáng lập giấu tên nhận định chiến lược của J&T về giá, vận hành, mở rộng và marketing tương tự như những chiến lược của OPPO và các hãng smartphone Trung Quốc.
"Đó là điều khiến J&T rất dũng cảm và tăng trưởng nhanh", nguồn tin nói. Thế nhưng vì logistics "là một cuộc chơi khác", vị chuyên gia này tỏ ra hoài nghi vì tính bền vững trong cách tiếp cận của J&T. Trong khi "các công ty smartphone lúc nào cũng có thể tăng trưởng bằng cách ra mắt điện thoại mới, điều này không dễ đối với các công ty logistics".
Chiến lược đó được thể hiện rõ trong cách J&T bước vào thị trường Trung Quốc nơi 6 công ty hàng đầu đã kiểm soát 82% thị phần mảng giao hàng. Trong khi đó, các công ty như Alibaba hay JD.com đều đã có những chiếc lược logistics riêng và hiệu quả.
Là người đến sau, J&T cần phải mạnh mẽ để có thể tạo ra ảnh hưởng. Đó là lý do vì sao J&T thâu tóm Best Express, một đối tác logistics của Alibaba, vào cuối năm 2021 để có thể phục vụ một phần đơn hàng của "ông lớn" thương mại điện tử này. J&T cũng có cơ chế trợ giá sâu và thổi bùng một cuộc cạnh tranh về giá thu hút được sự chú ý của cả các nhà điều hành.
Dù sao đi nữa, các chiến lược của J&T dường như đều có hiệu quả. Đến thời điểm tháng 1/2021, J&T đạt thành tích hơn 20 triệu kiện hàng xử lý mỗi ngày, tương đương 10% thị phần logistics Trung Quốc. J&T cũng dần bước ra khỏi cái bóng của OPPO nhờ hợp tác với Pinduoduo (công ty được cho là đóng góp tới 80% số lượng đơn hàng xử lý của J&T).
"J&T đã hợp tác với hơn 30 sàn thương mại điện tử và các nền tảng video ngắn để đạt độ phủ trên hầu hết các sàn thương mại điện tử lớn ở nước này", CEO Robin Lo nói với Tech in Asia.
Momentum Works nhận định Trung Quốc quan trọng với J&T tới mức sự thành bại của nó có thể ảnh hưởng đến kế hoạch, chiến lược và định giá của nó.
Cuộc chiến khốc liệt
Bên cạnh Trung Quốc, J&T cũng đang tìm kiếm cơ hội ở Trung Đông (UAE và Ả-rập Xê-út) và Mỹ Latinh (Brazil và Mexico). Thị trường Trung Đông có "tiềm năng lớn vì sức tiêu thị lớn và tiềm năng phát triển thương mại điện tử trong khu vực", ông Lo của J&T nói.
Mới đây, J&T công bố đầu tư 2 tỷ USD để thiết lập trụ sở khu vực Trung Đông và Bắc Phi tại Riyadh. Cùng eWTP Arabia Capital và các đối tác khác, J&T muốn phát triển một mạng lưới logistics thông minh tại đây.
Thế nhưng, động thái của J&T khiến không ít người trong ngành thắc mắc vì sao startup lại đầu tư vào thị trường này.
"Tôi không thấy sự logic của việc mở rộng, trừ việc xây dựng một câu chuyện rằng J&T là một công ty toàn cầu", một chuyên gia logistics nhận định. Thực tế, quy mô thị trường Trung Đông rất khiêm tốn khi so sánh với thị trường Mỹ Latinh.
Có lẽ quan trọng hơn, chiến lược tiến đánh Mỹ Latinh giống chiến lược của một "ông lớn" thương mại điện tử khác: Shopee.
Shopee cũng thâm nhập vào Mỹ Latinh bằng cách tập trung vào hai thị trường lớn nhất: Brazil và Mexico. Lý do đằng sau chiến lược này là Mexico và Brazil có nhiều điểm tương đồng với nhau. Theo một phân tích của Tech in Asia, Brazil có cơ hội trở thành thị trường lớn nhất của Shopee, thậm chí lớn hơn Indonesia.
Mỹ Latinh cũng có GDP theo đầu người cao hơn Đông Nam Á, đồng nghĩa với sức mua cao hơn. Bên cạnh đó, J&T cũng có thể áp dụng kinh nghiệm của mình để giải các bài toán logistics mà Brazil vẫn đang tìm kiếm.
Hiện chưa rõ J&T và Shopee có kế hoạch hợp tác với nhau ở Mỹ Latinh hay không. Shopee thường có mục tiêu có một đối tác logistics lớn ở mỗi thị trường. Vị đồng sáng lập công ty logistics giấu tên nói với Tech in Asia rằng có khả năng cao J&T và Shopee sẽ sáp nhập trong tương lai.
Tuy nhiên, việc mở rộng sang Trung Đông cũng không phải một ý tưởng tệ. Người trong ngành nói rằng đã đến lúc "J&T khai thác các thị trường khác không có Shopee". Thị phần của OPPO ở Trung Đông còn nhỏ nhưng đang tăng trưởng. J&T có thể đang gia nhập thị trường đúng lúc, tương tự như những gì nó đã làm ở Indonesia.
Vị thế của J&T ở Trung Quốc cũng là một cơ hội lớn vì Trung Quốc là nơi nhiều mặt hàng được sản xuất. " xuyên biên giới từ Trung Quốc sẽ mang lại lượng đơn hàng lớn", ông Vion Yau, giám đốc tại Momentum Works, chia sẻ.