Chứng khoán

Bank và Bất động sản "không đội trời chung" trên bảng điện: Cổ phiếu đất tăng thì bank giảm và ngược lại, mãi là "người dưng ngược lối"

Cổ phiếu bank và bất động sản "không đội trời chung" trên bảng điện

Kể từ cuối năm 2021 đến nay tình trạng thị giá hai nhóm cổ phiếu bank và bất động sản luôn "ngược đường" trên bảng điện. 

Ba tháng cuối năm 2021, cổ phiếu bất động sản tăng bằng lần trong thời gian ngắn thì cổ phiếu bank giảm và đi ngang. Đỉnh điểm giữa tháng 1/2022, cổ phiếu bất động sản có con sóng điều chỉnh mạnh 30-50% tuỳ cổ phiếu sau sự kiện Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất đấu giá khu Thủ Thiêm, nhóm cổ phiếu bank lại vùng lên với mức tăng 10-20% mỗi cổ phiếu. Lúc này cả giới đầu tư hô hào sóng ở nhóm bank thì cổ phiếu bank chỉ tăng được vài phiên ngắn ngủi gồng gánh thị trường trong lúc nhóm bất động sản tìm đáy. Khi cổ phiếu bất động sản tìm được điểm cân bằng giữa tháng 2 vừa qua và hồi phục mạnh, nhóm cổ phiếu bank lại điều chỉnh mạnh.  

Cứ như vậy nhiều lần tăng giảm ngược nhau, cổ phiếu bất động sản cổ phiếu bank giống như những khắc tinh của nhau, mãi là "người dưng ngược lối". 

Ngay cả trong phiên ngày 21/2, nhiều cổ phiếu bank như CTG, TCB, STB, VIB, EIB... đỏ lửa thì nhóm cổ phiếu bất động sản lại tăng mạnh thậm chí tăng trần như HDC, DIG, CII,... 

Những ngày gần đây nhóm bank tiếp tục "đỏ lửa" trong khi nhóm bất động sản có đà hồi phục mạnh làm bùng lên luồng tranh cãi gay gắt giữa hai nhóm cổ đông. Nhóm cổ đông bất động sản chế giễu nhóm bank giá tăng một tháng không bằng bất động sản tăng một phiên. Thực tế, nhóm bất động sản thời gian qua có sóng tăng mạnh, chỉnh mạnh nhưng sau đó đều hồi phục rất nhanh. 

"Nhóm bất động sản và bank cứ như không đội trời chung vậy. Thực tế hai nhóm cổ phiếu bank và bất động sản ngược nha. Tôi cầm cổ phiếu cả hai nhóm bất động sản và bank nhiều lúc vào các diễn đàn đầu tư chỉ nhìn thấy tranh cãi gay gắt. Nhóm bất động sản cà khịa nhóm bank tăng một tháng không bằng 1 phiên của bất động sản", Nguyễn Văn An, một nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ. 

Trên khắp các diễn đàn chứng khoán, các nhóm cổ đông thuộc hai phe bất động sản và bank thường tranh cãi để bảo vệ nhóm cổ phiếu mình đầu tư. 

Về hiện tượng này, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng hiện dòng tiền lớn đang đứng ngoài do những rủi ro biến động chính trị thế giới khó lường.

"Độ lớn của dòng tiền đàn có xu hướng thu hẹp lại so với mặt bằng chung cuối năm 2021 . Dòng tiền vẫn đang chủ yếu ăn xổi và luân chuyển rất nhanh, có thể thứ 2 nhóm bất động sản tăng nhưng hôm sau dòng tiền lại chuyển sang dòng ngân hàng rồi. 

Nếu kỳ vọng sóng mạnh và kéo dài như chứng khoán, bất động sản, ngân hàng như năm ngoái thì vẫn chưa có. Thời gian gần đây nếu nhà đầu tư để ý sẽ thấy rõ cứ bất động sản tăng thì ngân hàng đỏ còn ngân hàng tăng mạnh thì bất động sản giảm rất mạnh. Độ lớn của dòng tiền đang yếu đi, thanh khoản sụt giảm so với năm 2021. Tiền không mạnh nên không thể đánh toàn thị trường mà xoay vòng từng nhóm cổ phiếu thôi", ông Minh dự đoán cuối tháng 2 dòng tiền sẽ cải thiện và trở lại mạnh mẽ hơn.

Nhiều chuyên gia tài chính lo ngại cách luân chuyển "chóng mặt" của dòng tiền với tốc độ nhanh này nếu nhà đầu tư đứng núi này trông núi nọ sẽ không có kết cục tốt. Lý do được cho là đến từ việc suy giảm của dòng tiền, dòng tiền không còn mạnh để cùng một lúc đánh lên tất cả các dòng cổ phiếu. Đặc biệt bất động và bank là hai nhóm có vốn hoá lớn nhất thị trường. Bất động sản chiếm 23% vốn hoá của VN-Index, nhóm bank chiếm 30% vốn hoá VN-Index. 

Một lý do được giới chuyên gia nói rằng, cách đánh luân phiên bank giảm thì bất động sản tăng, bất động sản chỉnh thì bank gồng gánh cũng là cách điều tiết thị trường, giữ chân dòng tiền ở lại thị trường. Nếu cùng lúc hai nhóm đều giảm mạnh hay tăng mạnh sẽ tạo ra sự biến động về chỉ số VN-Index rất lớn. 

Thực tế, thanh khoản thị trường đang ở mức khiêm tốn chỉ từ 15.000 - 23.000 tỷ sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên Đán, thua xa so với mức 30.000 - 40.000 tỷ của giai đoạn cuối năm 2021. Sự sụt giảm của dòng tiền được cho là dòng tiền lớn vẫn chưa sẵn sàng nhập cuộc do những biến động địa chính trị thế giới vẫn đang rất khó lường, trong khi VN-Index chưa có động lực tăng mới. 

Bank và bất động sản không đội trời chung trên bảng điện: Cổ phiếu đất tăng thì bank giảm và ngược lại, mãi là người dưng ngược lối - Ảnh 1.

Thanh khoản HOSE đã giảm đi đáng kể trong đầu năm nay

Luôn ngược trên bảng điện nhưng cả hai ngành đều được dự đoán tăng trưởng mạnh 2022

Luôn "ngược nhau" trên bảng điện nhưng xét về sự tăng trưởng năm 2022, bank và bất động sản lại "chung đường" đều được dự báo tăng trưởng ấn tượng. 

Ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital nhận định năm 2022, đối với nhóm ngành ngân hàng, lợi nhuận của các ngân hàng có thể sẽ tăng khoảng 30% nhờ tăng trưởng tín dụng ước đạt 14% và sẽ ít bị ảnh hưởng bởi COVID-19 hơn. Cụ thể, các vấn đề về chất lượng tài sản sẽ ít ảnh hưởng đến lợi nhuận và các ngân hàng (nhất là các ngân hàng thương mại nhà nước) sẽ không phải tiếp tục hy sinh lợi nhuận để hỗ trợ nền kinh tế, chẳng hạn như sẽ không tiếp tục cho vay với lãi suất ưu đãi trong năm nay. 

Theo vị chuyên gia này, lợi nhuận của các ngân hàng Việt Nam sẽ được hỗ trợ bởi cơ cấu khoản vay được cải thiện với nhiều đối tượng vay là cá nhân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ hơn, và chi phí vốn thấp hơn, nhờ huy động được nhiều hơn từ các tài khoản tiết kiệm vãng lai chi phí thấp. Ngoài ra, các biện pháp giãn nợ của Chính phủ sẽ hỗ trợ các ngân hàng bù đắp các khoản lỗ cho vay vì Covid-19 trong hơn 3 năm và giúp cải thiện lợi nhuận của các ngân hàng ngay trong năm nay. 

"Không cần quá quan tâm đến các vấn đề chất lượng tài sản. Chúng tôi ước tính rằng hơn 1/3 tổn thất khi cho vay mà các ngân hàng có thể phải hứng chịu do ảnh hưởng của COVID-19 đã được trích lập dự phòng, và đa số các khoản vay đều được thế chấp bằng bất động sản và giá bất động sản đã liên tục tăng trong hai năm qua", ông Michael Kokalari nói. 

Bank và bất động sản không đội trời chung trên bảng điện: Cổ phiếu đất tăng thì bank giảm và ngược lại, mãi là người dưng ngược lối - Ảnh 2.

Ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital

Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital dự đoán, tăng trưởng lợi nhuận của từng ngân hàng sẽ có mức dao động từ khoảng 6% đến 50%, do có sự khác biệt lớn trong tăng trưởng tín dụng của từng đơn vị vì Ngân hàng Nhà nước sẽ phân bổ hạn ngạch dựa trên chất lượng tài sản – vốn có sự chênh lệch giữa các ngân hàng Việt Nam, theo đó, mức tăng trưởng tín dụng trung bình có thể đạt 14% trong năm nay. Ngoài ra, có nhiều yếu tố đặc trưng có thể ảnh hưởng đến cả lợi nhuận và giá cổ phiếu của các ngân hàng, bao gồm các giao dịch bancassurance với các công ty bảo hiểm nước ngoài (thường phát sinh các khoản trả trước khá lớn) và các câu chuyện về tài trợ quay vòng /tái cơ cấu. 

Đối với ngành bất động sản, vị chuyên gia này kỳ vọng lợi nhuận của các công ty trong lĩnh vực này sẽ tăng khoảng 25% trong năm 2022, nhờ doanh số bán/đặt mua các căn hộ mới sẽ tăng gần gấp đôi sau khi đã giảm hơn 50% trong năm 2021 do ảnh hưởng bởi các đợt giãn cách xã hội nhằm phòng chống COVID-19, và vấn đề pháp lý/quy định có liên quan đang được sửa đổi. Ngoài ra, lợi nhuận của các công ty có doanh thu định kỳ ( công ty môi giới bất động sản và chủ sở hữu/công ty vận hành các trung tâm mua sắm) cũng sẽ tăng trong năm nay. 

Trong bối cảnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn duy trì ở mức thấp, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục lựa chọn kênh bất động sản để rót tiền. Giá căn hộ ở Hà Nội và TP HCM đã tăng khoảng 10% trong năm 2021, đồng thời nhu cầu mua nhà để ở hoặc đầu tư bị dồn nén trong thời gian qua sẽ dẫn đến sự gia tăng về số lượng đặt mua trước các dự án mới, và dĩ nhiên giá bất động sản sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm