Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) vừa có văn bản nhắc nhở Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) về khả năng cổ phiếu HVN bị hủy niêm yết nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục cho thấy lợi nhuận sau thuế và/hoặc vốn chủ sở hữu là số âm.
Vietnam Airlines hiện có vốn điều lệ 22.144 tỷ đồng, tương ứng với hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN đang lưu hành.
Hôm 19/1 vừa qua, Vietnam Airlines đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 cho thấy khoản lỗ sau thuế cả năm 10.369 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 10.200 tỷ, lỗ lũy kế 34.200 tỷ đồng vượt xa vốn điều lệ thực góp.
Điểm e Khoản 1 Điều 120 của Nghị định 155/2020 quy định rõ: Cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong ba năm liên tục, hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
Vietnam Airlines nhiều khả năng sẽ vướng vào cả ba kịch bản hủy niêm yết kể trên. Kết quả cuối cùng sẽ phụ thuộc vào những con số trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022, dự kiến được Vietnam Airlines công bố vào chậm nhất vào cuối tháng 3 sắp tới.
Hiện nay, hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN đang trong diện kiểm soát theo quyết định ngày 1/6/2022 của HOSE vì âm vốn chủ sở hữu và thua lỗ hai năm liền.
Chứng khoán SSI cũng cho rằng cổ phiếu HVN có nguy cơ bị hủy niêm yết khỏi HOSE và sẽ chuyển tới giao dịch trên thị trường UPCoM. Theo quy định của HOSE, để niêm yết trở lại, doanh nghiệp cần giải quyết hết khoản lỗ lũy kế.
Năm 2019, ngay trước khi đại dịch bùng phát, Vietnam Airlines có lãi hợp nhất 2.537 tỷ đồng. Lợi nhuận kỷ lục từ trước đến nay là 2.659 tỷ đồng, được ghi nhận vào năm 2017. Như vậy, để xóa sạch số lỗ lũy kế 34.200 tỷ tại ngày cuối năm 2022, Vietnam Airlines sẽ cần khoảng 13 năm liên tiếp có lãi ngang với mức đỉnh trước dịch.
Kết phiên hôm nay 2/2, giá cổ phiếu HVN giảm 2,6% xuống còn 13.100 đồng/cp, ứng với vốn hóa hơn 29.000 tỷ đồng.
Hãng hàng không lớn thứ hai Việt Nam là Vietjet Air cũng báo lỗ lên tới 2.171 tỷ đồng trong năm 2022. Nhưng khác với Vietnam Airlines, 2022 là năm thua lỗ đầu tiên của Vietjet, hãng cũng không có lỗ lũy kế và không ấm vốn chủ sở hữu.