Tài chính

FiinGroup: Khả năng tăng lãi suất của NHNN trong quý 1 đã giảm

Dự báo tăng 50 điểm lãi suất điều hành trong năm 2023

Ghi nhận của FiinGroup cho thấy tỷ giá VND/USD đã mạnh lên khoảng +5% kể từ đầu tháng 12, đồng thuận với các đồng tiền trong khu vực do Fed giảm tốc độ tăng lãi suất và Trung Quốc mở cửa trở lại. Hai lần tăng lãi suất +100 điểm cơ bản liên tiếp của NHNN vào tháng 9 và tháng 10 năm ngoái do sự suy yếu của VND và các rủi ro lạm phát đi kèm.

Theo FiinGroup, NHNN có thể áp dụng cách tiếp cận chờ đợi trước khi thực hiện các đợt tăng lãi suất tiếp theo. Tuy nhiên, vẫn có những rủi ro rằng Fed có thể tiếp tục quan điểm diều hâu với tốc độ tăng lãi suất hoặc lạm phát có thể vẫn tăng trên ngưỡng +4,5% trong một thời gian dài do Trung Quốc mở cửa trở lại.

Do đó, FiinGroup hiện duy trì kịch bản cơ sở là tăng lãi suất +50 điểm cơ bản vào năm 2023, mặc dù khả năng tăng đã chậm lại hơn, dự báo VND/USD sẽ đạt 22.900 vào cuối năm 2023 (trước đó là 24.200đồng).

Triển vọng từ thị trường Trung Quốc

FiinGroup nhận định do kỳ nghỉ lễ Tết kéo dài suốt một tuần, sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam suy giảm mạnh, với nhu cầu toàn cầu giảm xuống.

Ghi nhận tháng 1 cho thấy, sản xuất công nghiệp (IP) đã giảm do sản xuất bị gián đoạn. Xu hướng giảm xuất khẩu hàng hóa gia tăng trong tháng 1 do tác động từ nhu cầu toàn cầu sụt giảm và cả số ngày làm việc ít hơn do Tết.

Trong xu hướng chung đó, sản xuất và xuất khẩu có tín hiệu sáng ở thị trường Trung Quốc. Hay nói cách khác, Trung Quốc là thị trường tăng trưởng duy nhất, rất có khả năng thúc đẩy xuất khẩu trong năm nay.

Cụ thể, theo FiinGroup, ước tính sơ bộ cho thấy xuất khẩu sang tất cả các thị trường chính đều giảm, ngoại trừ Trung Quốc.

Xuất khẩu sang EU kém nhất (-32% so với -18,1% trong tháng 12), tiếp theo là Mỹ (-24,5% so với - 20,5% trong tháng 12). Xuất khẩu sang Hàn Quốc (-15,9% so với -8,9% trong tháng 12) và ASEAN (- 14,5% so với -1,4% trong tháng 12) gia tăng mức giảm lên hai chữ số, trong khi xuất khẩu sang Nhật Bản (-6,5% so với +3% trong tháng 12) lần đầu tiên giảm kể từ tháng 10/2021.

Trong khi đó, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng +20,4% ngay lúc Trung Quốc nới lỏng các phương án chống dịch, tăng so với mức giảm - 11,2% của tháng trước và là mức tăng trưởng cao nhất kể từ tháng 2/2021.

Dù đưa ra số liệu trên nhưng FiinGroup cũng lưu ý về việc dữ liệu thương mại của Tổng cục Thống kê là sơ bộ, và có thể sửa đổi đáng kể khi dữ liệu hải quan được cập nhật trong tháng tới.

FiinGroup dự báo xuất khẩu sang Trung Quốc có thể sẽ là động lực chính cho xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay, do nhu cầu nhập khẩu mở cửa trở lại và nới lỏng các yêu cầu nhập cảnh. Sự phục hồi trong xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ giúp bù đắp cho sự sụt giảm xuất khẩu do thị trường Hoa Kỳ và EU và khối ASEAN đang chậm lại. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai (chiếm 15,6% kim ngạch xuất khẩu) sau Mỹ (chiếm 29,5%). Xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 15,3% GDP vào năm 2021, xếp hạng cao thứ hai trong ASEAN-6.

Ngoài ra, thống kê dữ liệu kinh tế tháng 1 ghi nhận doanh thu bán lẻ được thúc đẩy nhờ nhu cầu mua sắm Tết. Và ở góc độ du lịch, ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ về lượt du khách. Tuy khách du lịch Trung Quốc vẫn vắng mặt nhưng có khả năng tăng trở lại trong năm nay.

Đáng chú ý ở mặt khác, nhu cầu trong nước cao thúc đẩy lạm phát tăng, với lạm phát toàn phần tăng tốc lên +4,9% (so với +4,5% trong tháng 12), dẫn đầu là thành phần thực phẩm. Lạm phát cơ bản tăng tốc lên +5,2% (so với +5% trong tháng 12), với chỉ số CPI cơ bản tăng +0,5% so với tháng trước.

Do đó, FiinGroup dự báo lạm phát cả năm 2023 ở mức +4,3% (so với +3,2% năm 2022), thấp hơn ngưỡng Chính phủ đặt ra là +4,5%. Các điều kiện cơ bản về nhu cầu vẫn mạnh mẽ, trong khi chi phí năng lượng có thể tăng trở lại khi Trung Quốc mở cửa trở lại kéo giá dầu toàn cầu phục hồi.

Bên cạnh đó, FiinGroup cũng tăng nhẹ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 lên +6,3% (từ +6%) do triển vọng tích cực hơn của Trung Quốc, có khả năng sẽ thúc đẩy du lịch và xuất khẩu. Điều này sẽ giúp chống những cơn gió ngược từ nhu cầu bên ngoài yếu hơn từ Hoa Kỳ và EU, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và khủng hoảng thanh khoản bất động sản.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm